|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện bánh burger thua bánh mỳ và cơ hội làm giàu dành cho người hiểu thói quen ẩm thực của thực khách Việt

10:48 | 22/10/2018
Chia sẻ
Người sáng lập chuỗi Pizza Home nhận định rằng, trong khi các "đại gia" ẩm thực nước ngoài lao đao, những thương hiệu bánh mỳ Việt đang phát triển nhanh.

Hoàng Tùng, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành chuỗi tiệm bánh Pizza Home cùng một số doanh nghiệp khác, chia sẻ một số nghịch lý trong mảng ẩm thực để những người có ý định kinh doanh lưu ý.

Nghịch lý đầu tiên là chất lượng món ăn không liên quan tới triển vọng kinh doanh. Theo Tùng, một số người khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực bởi khi bước vào một nhà hàng nào đó, thấy nhà hàng đông nghịt khách nhưng món của họ bình thường. Và bạn về nhà, nung nấu ý tưởng và một quán ăn ra đời. Sau đó, rất nhiều trường hợp phải âm thầm đóng cửa với lời oán thán: Tại sao tôi làm ngon hơn họ, sạch hơn họ mà họ đông khách thế trong khi tôi không có khách?

chuyen banh burger thua banh my va co hoi lam giau cua nguoi hieu thoi quen am thuc cua thuc khach viet
Hoàng Tùng, người sáng lập thương hiệu Pizza Home.

"Nếu một ngày nào đó, bạn tìm ra được một công thức làm bán burger ngon hơn BigMac của McDonald’s thì cũng đừng vội nghĩ là bạn đã nắm trong tay vũ khí để có thể tạo dựng được một thương hiệu như McDonald’s. Làm sản phẩm ngon hơn chưa chắc đã kinh doanh tốt hơn. Làm cánh gà ngon hơn KFC khá dễ, nhưng sẽ là cực kỳ khó để bạn có thể xây dựng được một thương hiệu tầm vóc quốc tế như KFC, như McDonald’s hay Burger King", Tùng khẳng định.

Ông chủ Pizza Home chỉ ra rằng mọi lĩnh vực kinh doanh đều có rủi ro và cơ hội. Đối với bản thân anh, thách thức bao gồm giá thuê nhà cao đối với những vị trí đắc địa, thời gian thuê nhà ngắn, nhân sự không gắn bó với nghề lâu, sự thay đổi thị hiếu liên tục của người tiêu dùng.

Bài học từ thất bại của ông chủ Pizza Home

Năm 2013, khi tín hiệu về việc hãng McDonald’s sẽ gia nhập thị trường Việt Nam ngày một rõ ràng, Tùng thành lập thương hiệu Maxi Burger để kinh doanh bánh burger với suy nghĩ rằng khi McDonald’s vào thị trường Việt Nam, họ sẽ “đào tạo thị trường” và sẽ có một lượng lớn người dân sẽ thích món bánh burger.

"Maxi Burger tập trung làm bánh cỡ to nhất (to gấp rưỡi bánh cỡ to nhất trên menu của Burger King) với mức giá chỉ bằng loại bánh cỡ lớn của Burger King", Tùng kể.

Cửa hàng của Tùng nhỏ và nằm trong trung tâm thương mại Royal City, ngay sát cửa hàng lớn của Carl Jr’s, - một trong 5 thương hiệu bán bánh burger lớn nhất nước Mỹ. Sau vài tháng, Carl Jr’s đóng cửa. Sau gần 2 năm, Tùng cũng ngừng kinh doanh trong trung tâm thương mại.

chuyen banh burger thua banh my va co hoi lam giau cua nguoi hieu thoi quen am thuc cua thuc khach viet
Hoàng Tùng nhận thấy các thương hiệu lớn như Burger King hay McDonald's khó bùng nổ bởi người Việt chuộng bánh mỳ hơn các loại bánh burger.

"Bài học tôi rút ra là thương hiệu mạnh, chuỗi vận hành chuẩn không phải yếu tố quan trọng nhất để thành công trong kinh doanh ẩm thực. Sản phẩm mới là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công hay thất bại. Ngay cả khi McDonald’s xuất hiện, bánh burger vẫn không là món ăn khoái khẩu và thường nhật của người dân Việt", Tùng bình luận.

Quan điểm của Tùng là khi sức mua không đủ lớn, thị trường quá nhỏ, đương nhiên những thương hiệu với sản phẩm lõi là bánh burger như Burger King hay McDonald’s sẽ kinh doanh trầy trật. Sản phẩm phù hợp thị hiếu thói quen ẩm thực của người dân vẫn là yếu tố lõi, quan trọng bậc nhất tạo nên sự thành công của một thương hiệu phát triển theo chuỗi.

"Đó là lý do những chuỗi burger chững lại song những chuỗi bánh mỳ Việt đang nở rộ và tăng trưởng với tốc độ phi mã", anh nói.

Mẹo giảm chi phí vận hành khi mở rộng chuỗi

Để giảm chi phí vận hành khi mở rộng chuỗi, theo Tùng, chủ doanh nghiệp nên đánh giá lại mô hình kinh doanh để có thể tập trung vào những điểm mạnh nhất của nội tại của doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất. Chẳng hạn, khi mới xuất hiện trên thị trường, chuỗi Highland Coffee chọn những vị trí thuận lợi nhất. Theo thời gian, họ cải tiến nhiều thứ. Menu là mục tiêu đầu tiên.

"Lúc đầu menu của Highland Coffee có gần 50 món, nhưng họ giảm còn 15 món. Cách thức phục vụ cũng thay đổi. Thay vì tính tiền sau, họ chuyển sang hình thức thanh toán trước để tối ưu nhân sự phục vụ khách. Ngoài ra, Highland Coffee còn thử nghiệm và thêm những món theo mùa như Freeze Tea, trà đào, cơm, bánh mỳ", Tùng phân tích.

Những ví dụ khác về sự thay đổi của các thương hiệu lớn, theo Tùng, là việc KFC bán cơm tại thị trường Việt, McDonald's bỏ món Burger bò trứ danh tại Ấn Độ, Starbucks đưa thêm cà phê sữa vào thị trường Việt Nam.

Xem thêm

Kim Cương