|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi trái cây nhập khẩu đối phó với việc thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng

18:28 | 21/01/2024
Chia sẻ
Hầu hết các nhà bán lẻ trái cây nhập khẩu đều đồng tình rằng giỏ quà Tết chất lượng phải rơi vào tầm giá 500.000 - 700.000 đồng. Đây là một mức giá không hề rẻ.

Ngày 17/1, bên lề sự kiện do Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Rau quả Nhật Bản (J-FEC) tổ chức, đại diện các nhà bán lẻ trái cây nhập khẩu đều cho rằng khó có sản phẩm giá rẻ cho giỏ quà Tết hoa quả, bất chấp xu hướng giảm giá cho mùa mua sắm Tết năm nay.

Hầu hết các đơn vị phân phối trái cây nhập khẩu đều đồng thuận rằng mức giá hợp lý cho sản phẩm của họ sẽ rơi vào khoảng 500.000 - 700.000 đồng.

"Klever Fruit định hình ở phân khúc cao cấp nên các giỏ quà cỡ 100.000 - 200.000 đồng sẽ không bao giờ xuất hiện. Mục tiêu của chúng tôi nằm ở mức 800.000 - 1.200.000 đồng nhưng để phục vụ cho mục tiêu đó thì Klever Fruit cũng sẽ đưa ra các lựa chọn thấp hơn", ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành CTCP Thương mại và Đầu tư K.L.E.V.E, cho biết.

Đây là đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng trái cây nhập khẩu Klever Fruit với 55 cửa hàng ở Hà Nội và TP HCM. 

Theo CEO, Klever Fruit đã đưa ra các gói quà trái cây có giá tầm 400.000 - 600.000 đồng trong các đợt lễ 20/10, 20/11... và nhận thấy hiệu quả. Do đó, chiến lược này vẫn đang được áp dụng vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Chẳng hạn đợt lễ 20/11 vừa qua, chuỗi này nhận ra nhóm khách hàng sinh viên rất thích các sản phẩm quà tặng trái cây cao cấp dành cho thầy cô. Mức chi của nhóm này thường dừng ở mức 500.000 - 700.000 đồng và Klever Fruit đã đáp ứng nhu cầu đó bằng các gói quà có giá trị ở mức tương đương.

Đồng quan điểm, ông Lê Viết Sĩ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tú Phượng Tony - đơn vị vận hành các điểm bán của Tony Fruit, cũng cho rằng các giỏ trái cây làm quà Tết giá từ 200.000 - 300.000 đồng sẽ khó đảm bảo chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

 Trái cây nhập khẩu đang có chiều hướng giảm giá nhưng Nhật Bản thì không như vậy. (Ảnh: Thành Vũ).

Khi được hỏi về triển vọng thị trường trong giai đoạn cuối năm, ở góc độ của chuỗi bán lẻ trái cây, ông Nguyễn Xuân Hải không cho rằng nền kinh tế đang đi xuống và túi tiền của người dân giảm đi do bức tranh kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng.

Tuy nhiên, CEO Klever Fruit đánh giá thói quen và hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi và thị trường online đang phát triển rất mạnh mẽ.

"Ngày xưa, khách hàng không có nhiều thông tin nên họ buộc phải đến cửa hàng nhưng giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể tra cứu được rồi. Có thể người tiêu dùng đến cửa hàng ít hơn nhưng tôi nhận thấy tổng thể không thay đổi, thậm chí còn tăng khoảng 10%", ông Hải nói.

Vị CEO đưa ra nhận định này dựa trên quá trình Klever Fruit hoạt động online trong ba tháng cuối năm 2023 của chuỗi này, đi kèm tham khảo quan điểm của nhiều chuyên gia, các bên đối tác. "

Điều này buộc các đơn vị kinh doanh hàng chính ngạch như chúng tôi phải thay đổi. Không thể cứ mở cửa hàng vật lý rồi chờ khách hàng tới mua", CEO Klever Fruit chia sẻ.

Trong khi đó, CEO Tony Fruit lại có phần kém lạc quan hơn. Ông nêu quan điểm rằng thị trường Tết năm nay "hơi khó khăn".

"Các nhà phân phối trước đây đều cam kết số lượng đặt hàng nhưng năm nay thì không, cứ để thị trường thả nổi và chưa có đánh giá cụ thể", ông Sĩ ước tính mức giảm khoảng dưới 10%.

Vì sao trái cây nhập khẩu đắt đỏ?

Theo ông Yuya Arashima, điều phối viên lĩnh vực thực phẩm – nông lâm thủy sản của văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP HCM (JETRO), giá táo Fuji nhập khẩu Việt Nam khoảng 300.000 đồng/kg, táo "khổng lồ" Sekaiichi giá khoảng 800.000 đồng/kg ( một quả nặng khoảng 300-800gr), quýt Unshu - mặt hàng đang đến trong mùa có giá khoảng 265.000 đồng/kg.

Giải thích mức giá cao, ông Nguyễn Xuân Hải cho biết kể từ khi Việt Nam siết chặt việc nhập khẩu, trái cây nước ngoài không còn ồ ạt vào thị trường như thời điểm khoảng 10 năm về trước.

Một số thị trường xuất khẩu trái cây vào Việt Nam như Nhật Bản trước đó chỉ có sản phẩm quýt, giờ có thêm táo và lê. Chính phủ Nhật Bản cũng đã đẩy mạnh đàm phán để cung cấp thêm nhiều mặt hàng hơn tuy nhiên quá trình này thường kéo dài 3 - 5 năm.

"Trước đây, Nhật Bản chỉ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, không xuất khẩu nên khi bước ra thị trường thế giới, vị thế cao cấp của trái cây Nhật Bản vẫn được duy trì. Thậm chí, họ bán cho thị trường nội địa còn cao hơn giá trái cây xuất khẩu tới các nước", ông Hải cho biết.

 Ông Nguyễn Xuân Hải, CEO Klever Fruit. (Ảnh: Thành Vũ).

Tuy nhiên xu hướng này đang thay đổi.

Ông Hải cho biết: "Giá trái cây nhập khẩu năm nay hoàn toàn không có biến động, thậm chí là giảm 10 - 15%". 

Lý giải cho nguyên nhân giảm giá của các loại trái cây nhập khẩu, ông Nguyễn Xuân Hải nói rằng nhờ nguồn cung trái cây từ các nước trở nên dồi dào hơn, các hiệp định thương mại được xúc tiến dẫn tới việc trái cây nhập khẩu vào Việt Nam đa dạng hơn.

"Việt Nam đang ngày càng mở rộng đàm phán với các nước khác nên số lượng trái cây nhập khẩu vào nước ta ngày càng tăng", ông Hải nói.

Lấy ví dụ từ quả cherry, trước đây, Việt Nam chỉ nhập khẩu sản phẩm này từ Australia và New Zealand nhưng gần đây, cherry từ Chile đã được nhập khẩu vào Việt Nam.

"Cherry từ Chile được chở bằng đường biển, đi mất khoảng 40 - 45 ngày mới tới Việt Nam. Do đó, mỗi lần họ vận chuyển sẽ mang theo số lượng lớn. Tôi ước tính họ xuất sang Việt Nam phải vài trăm container/năm. Mục tiêu của họ là số lượng lớn kèm giá thấp và điều này đã giúp cân bằng thị trường", CEO Klever Fruit cho biết.

Thành Vũ