Chuỗi bán lẻ bước vào thời kỳ cạnh tranh gay gắt: Đâu là lĩnh vực sẽ 'sống tốt'?
Triển vọng tiêu cực của ngành bán lẻ trong ngắn hạn
Theo báo cáo từ Mirae Asset, áp lực lạm phát tăng dần ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành bán lẻ Việt trong ngắn hạn. Lạm phát cơ bản và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đến cuối tháng 11/2022 ghi nhận mức tăng cao tương ứng lần lượt 4,81% và 4,37% so với cùng kỳ.
Các nguyên nhân chính gồm: Ảnh hưởng của nền thấp trong năm 2021 và nhu cầu thuê tăng dẫn đến giá thuê cũng như giá dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng nhà tăng. Giá xăng trong nước có chiều hướng tăng trở lại từ tháng 10, khả năng thay đổi chính sách điều tiết giá của các mặt hàng thiết yếu trong 2023.
Sức mạnh đồng nội tệ suy yếu gia tăng áp lực lạm phát trong nước, có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu mua sắm trong quý IV/2022 và năm 2023 so với kỳ vọng. Nhằm ứng phó với các tác nhân trong và ngoài nước lên lạm phát, Chính phủ cũng đã phần nào nới lạm phát định hướng cho 2023 từ mức trần là 4% trong các năm liền trước lên mức 4,5%.
Mặc dù tăng trưởng thu nhập bình quân trong 9 tháng đầu năm 2022 tích cực, tăng 11% so với cùng kỳ, sự gia tăng sẽ khó duy trì trong ngắn và trung hạn do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không khả quan.
Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng trở lại do nhu cầu cắt giảm nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động và tỷ lệ doanh nghiệp dừng kinh doanh gia tăng. Ngành du lịch chưa hồi phục như kỳ vọng do các yếu tố như căng thẳng giữa Nga và Ukraine, các rào cản du lịch quốc tế liên quan đến nỗ lực kiểm soát COVID-19.
Ngoài ra, tăng lãi suất và áp lực lạm phát cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ nội địa và hành vi mua sắm.
Các mảng bán lẻít bị ảnh hưởng bởi áp lực từ kinh tế
Báo cáo phân tích chỉ ra rằng trong năm 2023, các yếu tố vĩ mô tiêu cực sẽ là thách thức đối với mức tiêu thụ của các mặt hàng không thiết yếu. Trong khi đó, tăng trưởng mặt hàng thiết yếu, sản phẩm chăm sóc sức khỏe dự kiến vượt trội so với tốc độ chung các thiết bị điện tử hay điện gia dụng có giá trị cao.
Mặc dù tăng trưởng dân số đang dần chậm lại trong nhiều năm trở lại đây, các lo ngại liên quan đến vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm sẽ hướng người tiêu dùng đến các nguồn cung cấp thực phẩm có chất lượng hơn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của ngành lương thực thực phẩm.
Nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe được kỳ vọng tăng trưởng ấn tượng nhất với các tác nhân hỗ trợ như: Các chương trình thúc đẩy bán hàng được khởi động trở lại sau hai năm tạm ngưng do dịch bệnh; Độ tuổi trung bình gia tăng; Cuối cùng là xu hướng chuyển từ mua sắm các sản phẩm cụ thể sang mua trọn gói sau thời gian trải nghiệm ban đầu, đặc biệt là các dòng sản phẩm mỹ phẩm và làm đẹp.
Tốc độ đô thị hóa nhanh và tăng trưởng tầng lớp trung lưu ổn định sẽ là động lực tăng trưởng cho nhóm sản phẩm thời trang.
Cạnh tranh giữa các chuỗi bán lẻ
Trong bối cảnh triển vọng ngành bán lẻ Việt Nam về dài hạn vẫn tích cực, các nhà bán lẻ hiện đại đang vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các chuỗi bán lẻ tương tự và cả các kênh bán lẻ khác (bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử), dẫn đến việc biên lợi nhuận của các nhà bán lẻ bị thu hẹp.
Các chuỗi bán lẻ lớn trong ngành phân phối lương thực thực phẩm đã tiến hành tái cơ cấu chuỗi, nhằm nâng cao hiệu quả vận hành cũng như cải thiện tình hình tài chinh, lợi nhuận. Tuy nhiên, các chuỗi này vẫn chưa đạt được điểm hòa vốn.
Các cửa hàng mở mới trong một đến hai năm trở lại đây tại các tỉnh và các thành phố với mật độ dân cư không cao vẫn chưa theo kịp các cửa hàng tại 4 thành phố lớn nhất cả nước, do sự khác biệt trong thói quen và hành vi tiêu dùng của nhóm khách hàng tại các địa phương này.
Tương tự như phân khúc bán lẻ thực phẩm, số lượng cửa hàng phân phối dược phẩm cũng tăng đột biến trong 2 năm trở lại đây. Ví dụ, chuỗi nhà thuốc An Khang, số lượng cửa hàng đã tăng từ 68 trong năm 2020 lên 178 năm 2021 và 529 cuối tháng 10/2022. Việc mở rộng của các chuỗi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, cho thấy mức độ cạnh tranh sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn.