Chứng khoán Yuanta: Tốc độ tăng của chứng khoán Việt Nam chỉ sau S&P 500
VN-Index có thể đạt 1.177 điểm vào cuối năm 2018
Ngày 22/9, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Chiến lược đầu tư chứng khoán".
Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta. |
Nhận định về thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc phân tích cho biết VN-Index đang được ủng hộ bởi yếu tố nội tại tốt như vĩ mô và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều ông lo ngại là từ các yếu tố đến từ bên ngoài đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tăng cao.
Chỉ số lạm phát (CPI) tăng cũng là dấu hiệu cảnh báo trong dài hạn, nhưng chưa phải là điều đáng ngại trong ngắn và trung hạn.
Nếu trong quý I, Việt Nam đứng đầu về tốc độ tăng của chỉ số chứng khoán nhưng sang quý II tình hình đã khó khăn hơn rất nhiều. Cuối tháng 7 thị trường tạo đáy, hồi phục và VN-Index chỉ sếp thứ hai sau S&P 500 của Mỹ.
Vốn hóa thị trường đang chủ yếu nằm ở nhóm ngân hàng và nhóm Large Cap (vốn hóa lớn). Ông Minh cho rằng hai nhóm này đang "làm mưa làm gió" trên thị trường, cho thấy yếu tố rủi ro từ nhóm này. Sắp tới hàng loạt doanh nghiệp nhà nước niêm yết sẽ làm giảm mức độ tác động của nhóm Large Cap.
Với mức PE dự phóng là 18, ông Minh cho rằng mức hợp lý của VN-Index đến cuối năm 2018 là 1.177 điểm.
Về việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, ông Minh cho biết Morgan Stanley Capital International (MSCI) đang lăn tăn về mặt định tính của thị trường chứng khoán Việt Nam đó là việc lưu ký và thanh toán bù trừ.
MSCI đang chờ Chứng khoán Việt Nam ổn định mới xem xét đưa vào nhóm thị trường mới nổi. Ông Minh kỳ vòng vào tháng 6/2019, Việt Nam sẽ nằm trọng diện theo dõi để đưa vào thị trường mới nổi.
Nhóm cố phiếu ngân hàng đang bị định giá quá cao
Chia sẻ về triển vọng ngành ngân hàng, ông Minh cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17% trong năm 2018.
Hệ số NIM (hệ số thu nhập lãi cận biên - net interest margin) của các ngân hàng tiếp tục cải thiện nhờ chi phí huy động giữ ở mức ổn định và chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng. Tăng trưởng thu nhập lãi thuần trung bình của các ngân hàng được dự báo sẽ ở mức trên 20% trong năm nay.
Theo ông Minh, nhiều ngân hàng đã hoàn thành trích lập trái phiếu VAMC trong năm 2017 (ACB, MBB, VCB, CTG) và một số ngân hàng khác cũng sẽ hoàn thành việc trích lập trong năm nay và 2019 (BID, VIB, TPB, OCB).
Bên cạnh đó, các khoản hoàn nhập cũng sẽ có đóng góp đáng kể cho khoản mục thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng. Thu nhập từ phí tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ nguồn thu từ bancassurance.
Nhiều ngân hàng trong thời gian vừa qua đã ký kết các hợp đồng đại lý độc quyền với các đối tác là các công ty bảo hiểm và nguồn thu từ phí bancassurance được kỳ vọng tăng trưởng 30 – 40% trong những năm tới.
Tuy nhiên, ông Minh cũng lưu ý về rủi ro của cổ phiếu ngân hàng đó là tăng trưởng tín dụng đang chậm lại và NHNN cho thấy quan điểm thận trọng trong cho vay các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản và cho vay tiêu dùng (để mua nhà).
Chu kỳ mới của nợ xấu đang dần xuất hiện và lần này có lẽ sẽ tập trung chủ yếu ở các khoản tín dụng tiêu dùng.
Các ngân hàng trong nước đang có mức định giá quá cao so với các ngân hàng trong khu vực. Mặc dù giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm rất mạnh trong thời gian gần đây nhưng P/B (giá trên giá trị sổ sách) của nhóm này khoảng 1,8, vẫn cao hơn đáng kể so với mức bình quân của các ngân hàng trong khu vực là 1,3.