|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Trung Quốc khởi sắc khi nhiều địa phương đẩy mạnh nới lỏng Zero COVID

21:45 | 05/12/2022
Chia sẻ
Trong phiên 5/12, thị trường chứng khoán Trung Quốc và đồng nhân dân tệ đều tăng điểm, trong bối cảnh chính quyền nhiều địa phương đẩy mạnh quá trình chuyển đổi, hướng tới việc mở cửa lại nền kinh tế.

Thị trường bật tăng

Theo Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày 5/12, các cổ phiếu Trung Quốc tại Hong Kong và đại lục đều đồng loạt đi lên. Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã tăng vượt ngưỡng quan trọng so với đồng USD.

Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh chính quyền các địa phương đang đẩy nhanh quá trình chuyển hướng nhằm mở cửa lại nền kinh tế và tâm lý nhà đầu tư bắt đầu lạc quan hơn.

Cụ thể, đồng nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài đã tăng vượt mức 7 CNY đổi 1 USD. Ở thị trường trong nước, đồng nội tệ của Trung Quốc nhích khoảng 1,5% lên gần 6,95 CNY đổi 1 USD, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 13/9.

Cùng lúc, thước đo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc tại Hong Kong tăng tới 8,6%. Các chỉ số chứng khoán khác cũng bật tăng, trong đó chỉ số CSI 300 và Shanghai Stock Exchange Composite đi lên gần 2%.

Trái phiếu đồng USD của các nhà phát triển bất động sản cũng đi lên khi trung tâm tài chính Thượng Hải và thành phố Hàng Châu gần đó “nối gót” các địa phương khác nới lỏng chính sách chống COVID.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Sau nhiều tháng biến động, các tổ chức tài chính đang mua vào tài sản Trung Quốc, trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng tin rằng thị trường tỷ dân đã bước qua giai đoạn khó khăn bởi các chính sách bất động sản và COVID của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ngay cả khi tâm lý lạc quan lớn dần, các nhà phân tích như ông Hao Hong của Grow Investment Group vẫn cảnh báo rằng việc số ca nhiễm mới gia tăng có thể khiến giá tài sản ở Trung Quốc biến động mạnh trong ngắn hạn.

Hiện tại, việc một số địa phương nới lỏng các hạn chế chống dịch đang tạo ra tâm lý phấn khích mà thị trường đã không thể nhìn thấy trong một thời gian, Bloomberg nhận xét.

Ông Kenny Wen, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại hãng tài chính KGI Asia, cho hay: “Ngày càng có nhiều dấu hiệu nới lỏng chính sách chống dịch tại Trung Quốc và thị trường vẫn chưa đánh giá đầy đủ các yếu tố tích cực này”.

“Tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều quỹ nắm giữ vị thế mua đối với các tài sản tài chính Trung Quốc trong giai đoạn còn lại của năm 2022...”, ông Wen nói thêm.

 

Các động thái nới lỏng Zero COVID, cùng với gói giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, đã hồi sinh chứng khoán Trung Quốc sau đợt bán tháo 6.000 tỷ USD, Bloomberg nhấn mạnh.

Trong dài hạn, các nhà đầu tư được cho là sẽ tập trung vào nhóm cổ phiếu tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi.

Goldman Sachs dự đoán rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ hoạt động tốt hơn trong năm 2023, trong khi Bank of America cho biết thị trường đã chuyển biến tích cực hơn.

Tín hiệu nới lỏng

Trong vài ngày gần đây, Thượng Hải đã cùng Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu, Trịnh Châu và các thành phố khác của Trung Quốc đẩy mạnh quá trình nới lỏng Zero COVID.

Hầu hết các địa phương này sẽ không còn yêu cầu người dân xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính để tiếp cận các phương tiện và dịch vụ công cộng.

Việc điều chỉnh chiến lược kiểm soát COVID diễn ra sau khi Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan vào tuần trước cho biết cuộc chiến chống lại dịch bệnh của Trung Quốc đã bước sang giai đoạn mới.

Theo các chiến lược gia tại Goldman Sachs, Trung Quốc có thể sẽ duy trì Zero COVID cho đến tháng 4 năm sau, dù khả năng Bắc Kinh từ bỏ chính sách này sớm hơn đang ngày càng tăng lên.

 

Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc đến tác động của báo cáo việc làm tháng 11 đầy khả quan của Mỹ cũng như khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm nhịp độ tăng lãi suất.

Một số nhà phân tích vẫn đang cảnh giác. Họ cho rằng đồng nhân dân tệ sẽ chỉ duy trì đà tăng nếu Bắc Kinh đảm bảo rằng nền kinh tế sẽ phục hồi vững chắc vào năm tới.

Cuộc họp tháng này của Bộ Chính trị Trung Quốc, nơi thường đưa ra các hướng dẫn về hoạch định chính sách kinh tế, là mối quan tâm tiếp theo của thị trường.

Ho Woei Chen, chuyên gia kinh tế tại United Overseas Bank, cho hay: “Trung Quốc cần thời gian để loại bỏ chính sách Zero COVID.

Trong ngắn hạn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn khi thị trường bất động sản vẫn lùm xùm và số ca nhiễm COVID tăng cao gây ảnh hưởng đến sự phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng. Các yếu tố này có thể hạn chế mức tăng của đồng nhân dân tệ”.

Khả Nhân