|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tụt dốc phiên cuối tháng 5, nhóm năng lượng đảo chiều đi xuống

07:15 | 01/06/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 31/5 đóng cửa trong sắc đỏ, nhóm dầu khí ban đầu tăng tốt nhưng sau đó quay đầu giảm mạnh. Dow Jones và S&P 500 hiện đang ở gần với mức điểm hồi đầu tháng 5.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên cuối tháng 5

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 223 điểm, tương đương 0,67%, và kết phiên ở 32.990 điểm. S&P 500 cũng giảm 0,63% còn 4.132 điểm.

Nasdaq Composite đóng cửa giảm 0,41% xuống 12.081 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ này có lúc tăng 0,5% ở đỉnh của ngày và có lúc sụt 1,6% ở đáy trong phiên. Trước đó vào phiên 30/5, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nhân dịp nghỉ Lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong.

Tính chung cả tháng 5, Nasdaq Composite giảm 2,1%, cải thiện đáng kể so với cú lao dốc 13,3% trong tháng 4. Biểu đồ bên dưới cho thấy Nasdaq sa sút trong 4/5 tháng đầu năm 2022, chỉ tăng nhẹ trong tháng 3.

Nasdaq giảm 4/5 tháng đầu năm 2022.

Chỉ số S&P 500 và Dow Jones kết thúc tháng 5 với mức điểm sát với đầu tháng, chỉ nhích lên lần lượt 0,01% và 0,04%. Các chỉ số lao dốc trong ba tuần đầu của tháng nhưng sau đó phục hồi mạnh mẽ trong tuần vừa qua.

S&P 500 đã giảm trong các tháng 1,2 và 4 của năm nay, cá biệt tháng 4 sụt mạnh nhất với 8,8%. Thống kê sau đây cho thấy Dow Jones giảm 9/21 phiên trong tháng 5, bao gồm hai phiên cắm đầu hơn 1.000 điểm.

Dow Jones tăng 12/21 phiên của tháng 5.

CNBC dẫn lời ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, nhận xét: “Thị trường đang đánh giá lại đợt hồi phục của tuần trước và xem xét vị thế của mình. Chúng ta còn lâu mới thoát hiểm thành công, những nguy cơ chính vẫn còn đó như lạm phát cao, thắt chặt cung tiền và tăng lãi suất”.

Biến động thị trường ngày 31/5 đã nêu bật lên những lo ngại về tác động của lạm phát tới tăng trưởng kinh tế. Tại châu Âu, số liệu lạm phát mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và là kỷ lục từ trước đến nay. Lạm phát ở châu Âu đã tăng trong 7 tháng liên tục.

Con số 8,1% nói trên cao hơn nhiều so với mức lạm phát 7,4% trong tháng 4 và vượt quá dự báo 7,8% mà các nhà kinh tế từng đưa ra.

Lạm phát tại Euro zone tăng 7 tháng liên tục lên đỉnh lịch sử.

Biến động trên thị trường dầu mỏ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Giá dầu có lúc tăng mạnh sau khi Liên minh châu Âu đồng ý cấm nhập khẩu 90% dầu thô của Nga. Sau đó, giá dầu hạ nhiệt khi tờ Wall Street Journal đưa tin Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) xem xét loại Nga khỏi các thỏa thuận về sản lượng dầu.

Hợp đồng tương lai dầu thô Brent giao tháng 8 giảm hơn 1% còn 116,3 USD/thùng. Giá dầu thô WTI cũng mất gần 2,2% và đóng cửa ở 115,1 USD/thùng.

Cổ phiếu năng lượng giảm mạnh nhất S&P 500 phiên 31/5.

Cổ phiếu năng lượng diễn biến tích cực đầu phiên nhưng sau đó trở thành nhóm giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500 ngày cuối tháng 5, như thể hiện trong biểu đồ trên. Cổ phiếu đại gia dầu khí Chevron mất 2%, ExxonMobil và Occidental Petroleum giảm tương ứng 1,6% và 2,2%.

Những cổ phiếu công nghiệp gắn liền với chu kỳ kinh tế cũng sa sút trong phiên 31/5. Cổ phiếu thép Nucor mất 3,8%. Boeing, Caterpillar, Honeywell đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Đức Quyền - Song Ngọc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.