|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao giới đầu tư ngày càng lo ngại về nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái?

21:18 | 30/05/2022
Chia sẻ
Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục cắm đầu, dù lợi suất trái phiếu đã giảm xuống. Điều này lại đặt ra một bài toán mới, liên quan đến nguy cơ suy thoái và lợi nhuận doanh nghiệp trong tương lai.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters). 

Vấn đề nan giải

Thị trường chứng khoán Mỹ năm nay biến động đến mức chỉ những kẻ liều lĩnh mới dám ra dự đoán rằng thị trường sẽ ghi nhận một tuần tích cực hay tiêu cực. Lần này, câu trả lời là tích cực: Kết phiên 27/5, chỉ số S&P 500 đã chấm dứt chuỗi giảm 7 tuần liên tiếp.

Cho đến nay, S&P 500 đã tránh được cảnh rơi vào thị trường gấu, được định nghĩa bằng một cú sụt giảm hơn 20% so với đỉnh lịch sử. Song, có những dấu hiệu cho thấy thị trường đang bước vào một giai đoạn mới, đáng lo ngại hơn.

Từ tháng 1 cho đến đầu tháng 5, giá cổ phiếu cắm đầu có thể là do chịu ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu gia tăng. Lợi suất tăng là phản ứng của thị trường trái phiếu trước thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rằng lãi suất sẽ tăng nhanh và mạnh.

Lãi suất cao hơn làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư về thu nhập tương lai của doanh nghiệp. Giá cổ phiếu giảm tương ứng, nhóm công nghệ lao dốc đặc biệt nặng nề.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, giá cổ phiếu vẫn tiếp tục trượt dốc, dẫu lợi suất trái phiếu đã giảm xuống. Sự kết hợp của hai yếu tố này cho thấy thị trường đang lo sợ nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái.

Quả thực, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng trưởng GDP giảm tốc và chi phí sản xuất leo tháng tạo ra cảm giác đáng ngại rằng chu kỳ kinh doanh đang bước vào giai đoạn cuối. Dẫu giai đoạn mở rộng mới chỉ kéo dài hai năm, nhà đầu tư đã lo ngại rằng lợi nhuận doanh nghiệp đang bị đe dọa.

Trong thời gian qua, nền kinh tế thế giới phải đối mặt với vài cú sốc lớn. Rất có thể GDP Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh mẽ trong quý II vì các lệnh phong tỏa. Người tiêu dùng châu Âu nhận thấy sức mua giảm đáng kể bởi giá khí đốt cao ngất ngưởng.

Cho đến gần đây, Mỹ vẫn có vẻ vững vàng. Song, một số bộ phận của nền kinh tế Mỹ - vốn rất nhạy cảm với việc lãi suất tăng, đã bắt đầu lung lay, dù Fed mới chỉ hành động. Dữ liệu công bố ngày 24/5 cho thấy doanh số bán nhà mới giảm gần 17% trong tháng 3 và tháng 4.

Và bất kỳ thông tin kém lạc quan nào từ báo cáo tài chính doanh nghiệp cũng khiến các nhà đầu tư hoang mang. Khi Snap, nhà phát triển mạng xã hội Snapchat, nói rằng doanh thu của công ty sẽ yếu hơn dự đoán trước đó, giá cổ phiếu của Snap nhanh chóng bốc hơi 43%.

Giá cổ phiếu của Walmart và Target cũng giảm mạnh khi hai nhà bán lẻ báo cáo rằng họ còn quá nhiều hàng hóa tồn đọng sau khi đánh giá sai nhu cầu của người tiêu dùng, tờ Economist cho biết. 

Tăng trưởng giảm tốc là một trong những yếu tố điển hình khiến lợi nhuận doanh nghiệp bị siết chặt.  Khi doanh thu đi lên hay đi xuống thì lợi nhuận tăng hoặc giảm mạnh hơn nhiều. Hiệu ứng này đem lại cú hích đáng kể cho lợi nhuận của các công ty vào năm ngoái, nhưng khi tăng trưởng GDP giảm tốc thì tác động sẽ diễn ra theo chiều ngược lại.

Loạt nút thắt trong chuỗi cung ứng đã đẩy giá các nguyên liệu đầu vào lên cao, đặc biệt là năng lượng. Nỗi lo chính của doanh nghiệp là lương. Thị trường lao động của Mỹ đang ở trong tình cảnh “thừa việc làm, thiếu lao động”, và hậu quả là các ông chủ phải tăng lương hào phóng hơn.

Trên phương diện này, doanh nghiệp Mỹ đã bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu doanh nghiệp đẩy phần chi phí lương gia tăng sang khách hàng thông qua việc nâng giá bán, lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và buộc Fed tăng lãi suất mạnh tay hơn. Nhưng nếu doanh nghiệp tự hấp thụ chi phí gia tăng, lợi nhuận sẽ bị đè bẹp.

Giang