Trùm đầu cơ cảnh báo chứng khoán Mỹ sụp đổ, CEO JPMorgan Chase tin mây đen sẽ qua đi
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã đi xuống 8 tuần liên tiếp, S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đã mất điểm 7 tuần liên tục.
Theo CNBC, nguyên nhân chính của sự sa sút trên thị trường chứng khoán Mỹ là việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mạnh tay nâng lãi suất để cố ghìm cương lạm phát đang ở vùng đỉnh 40 năm.
Sau hai lần tăng lãi suất vào tháng 3 và tháng 5, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong cả 5 cuộc họp còn lại của năm 2022. Bên cạnh nâng lãi suất, Fed còn dự định sẽ thu hẹp bảng cân đối kế toán để giảm cung tiền.
Nguy cơ kinh tế sụp đổ vì cuộc chiến chống lạm phát
Trong một loạt dòng tweet ngày 24/5, tỷ phú Bill Ackman, nhà quản lý quỹ đầu cơ Pershing Square, cho rằng ngọn lửa lạm phát sẽ chỉ hạ nhiệt nếu Fed hành động quyết liệt hơn hoặc thị trường chuyển từ suy giảm thành sụp đổ.
“Không thể có chuyện lạm phát giảm đáng kể nếu Fed không nâng lãi suất mạnh tay hơn, hoặc thị trường chứng khoán sụp đổ, châm ngòi cho một thảm họa kinh tế và phá hủy nhu cầu”, ông Ackman viết trên Twitter.
Nhà quản lý quỹ Pershing Square cho rằng chứng khoán Mỹ lao dốc trong những tháng đầu năm 2022 do nhà đầu tư thiếu niềm tin vào khả năng của Fed trong việc chế ngự lạm phát. Ông khẳng định những bất ổn của thị trường sẽ chỉ kết thúc nếu như Fed “đặt dấu chấm hết” cho đà tăng phi mã của giá cả.
“Nếu Fed không làm được việc của mình thì thị trường sẽ làm thay việc của Fed, đó chính là điều đang xảy ra. Cách duy nhất để chấm dứt nạn lạm phát phi mã hiện nay là phải thắt chặt tiền tệ thật quyết liệt hoặc để cho nền kinh tế Mỹ sụp đổ”, tỷ phú Bill Ackman viết.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vũ khí bí mật 1.800 tỷ USD của Fed trong các cuộc chiến chống lạm phát, suy thoái 19/05/2022 - 12:37
Tại cuộc họp tháng 1 năm nay, Fed giữ nguyên lãi suất gần 0%. Tại cuộc họp tháng 3, Fed nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên khoảng 0,25 – 0,5%. Đến tháng 5, ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên thành 0,75 – 1%.
Bill Ackman cho rằng vào thời điểm hiện nay, nhà đầu tư sẽ ăn mừng nếu Fed nâng lãi suất nhanh hơn vì lạm phát đang vượt khỏi tầm kiểm soát và chỉ có hành động quyết liệt mới mang lại tác dụng.
“Thị trường sẽ thăng hoa nếu nhà đầu tư tin tưởng rằng những ngày lạm phát phi mã đã qua. Hy vọng sẽ Fed sẽ hành động đúng”, ông Ackman nhận định.
Vào tháng 3/2020 khi COVID-19 bùng phát dữ dội tại Mỹ, vị tỷ phú đầu cơ này đã đưa ra những lời cảnh báo thảm khốc khi nói rằng “địa ngục đang đến gần”. Ông còn khẩn thiết đề nghị chính quyền của Tổng thống Donald Trump khi đó đóng cửa đất nước trong một tháng.
Quỹ Pershing Square của ông đã kiếm lợi 2 tỷ USD từ việc đặt cược vào sự giảm sút của thị trường chứng khoán.
“Mây đen sẽ sớm qua”
Tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase thì cho rằng nền kinh tế vẫn đang vững mạnh và những trở ngại đều có thể vượt qua.
“Nền kinh tế khỏe mạnh, đám mây đen khổng lồ. Mây đen có thể sẽ tan”, ông Dimon phát biểu tại một sự kiện ngày 23/5.
Các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hai năm qua, nhưng theo chiều ngược lại, lạm phát cao và chính sách thắt chặt định lượng của Fed đang tạo ra một tình thế hoàn toàn mới lạ, ông Dimon nhận định.
Suy thoái có thể xảy ra, nhưng sẽ không giống như những lần sa sút trước đây vì các điều kiện kinh tế khác lạ hiện nay sẽ có tác động đặc biệt tới nền kinh tế, CEO của JPMorgan Chase nói thêm.
Ông Julian Emanuel, Giám đốc điều hành chiến lược cổ phiếu, phái sinh và định lượng tại Evercore ISI, tỏ ra lạc quan hơn khi tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái nhờ thị trường tín dụng khỏe mạnh.
Nhà đầu tư cần chiết khấu giá cổ phiếu theo tin tức vĩ mô nhưng cũng cần chú ý rằng lợi nhuận doanh nghiệp năm nay vẫn có thể tăng trưởng khoảng 5-9%, ông Emanuel trả lời kênh CNBC.
Vị chuyên gia này dự báo S&P 500 sẽ kết năm 2022 ở khoảng 4.800 điểm, tức là tăng 22% so với mức hiện nay nhưng vẫn thấp hơn so với đầu năm.
Ông đánh giá việc thị trường chứng khoán lao dốc trong thời gian qua chủ yếu là do các nhà đầu tư cá nhân bán tháo cổ phiếu tăng trưởng, nhất là nhóm công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) như Facebook, Netflix, Amazon, Alphabet, Microsoft, … Thống kê bên trên cho thấy cổ phiếu viễn thông và công nghệ là hai trong ba nhóm lao dốc mạnh nhất chỉ số S&P 500 từ đầu năm đến nay.
Một khi các cổ phiếu trên đã được xả hết, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ có thể đi lên, chuyên gia của Evercore ISI nhận xét. Nhà đầu tư sẽ quay trở lại với cổ phiếu sau khi nhận ra rằng thị trường lao động vẫn hoạt động mạnh mẽ và lạm phát đang lập đỉnh, có thể là vào cuối mùa hè năm nay.
Dự báo của ông Julian Emanuel được đưa ra dựa trên giả định lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm không tăng quá cao và duy trì ở quanh 3% đến hết năm. Biểu đồ dưới đây cho thấy lợi suất 10 năm hiện đang trong khoảng 2,7 – 2,8%.
Ông Emanuel lạc quan nhất về cổ phiếu ngành y tế và tin tưởng nhà đầu tư dài hạn sẽ thu được lợi nhuận tốt. Ông còn mạnh tay đầu tư vào ngành tài chính và công nghiệp.