|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhiều số liệu kinh tế quan trọng với chứng khoán thế giới tuần này

08:13 | 31/05/2022
Chia sẻ
Nhà đầu tư đang đánh giá xem lãi suất tại Mỹ sẽ tăng cao đến đâu, lạm phát tại khu vực Euro zone đã đạt đỉnh chưa và chính sách Zero COVID gây tổn hại cho kinh tế Trung Quốc tới mức nào.

Chứng khoán Mỹ trải qua nhiều tuần biến động mạnh.

Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đang dần kết thúc một tháng 5 đầy biến động. Số liệu việc làm tại Mỹ, lạm phát ở châu Âu và hoạt động kinh tế tại Trung Quốc có thể định hình diễn biến trong những phiên đầu tháng 6.

Ngày thứ Hai 30/5, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nhân dịp nghỉ Lễ Chiến sĩ trận vong.

Thị trường việc làm Mỹ khi tiền tệ thắt chặt

Ngày thứ Sáu tuần này (3/6), Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 5 và nhà đầu tư sẽ đánh giá xem hai lần tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có tác động thế nào tới thị trường lao động.

Hồi tháng 3, Fed nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Đến tháng 5, ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Các nhà phân tích mà Reuters khảo sát dự báo nền kinh tế Mỹ tạo ra 350.000 việc làm trong tháng 5, thấp hơn mức 428.000 trong tháng 4.

 

CNBC dẫn lời ông Alex Chaloff, đồng Giám đốc Chiến lược đầu tư tại công ty quản lý quỹ Bernstein Private Wealth Management, nhận định: “Thị trường lao động không thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 428.000 việc làm mỗi tháng, đặc biệt là khi COVID đang bùng phát trở lại”.

Những lo ngại về suy thoái kinh tế đang tăng lên, các số liệu kinh tế cho thấy một số lĩnh vực như nhà ở đang sa sút dần. Một số ngân hàng đã lên tiếng cảnh báo suy thoái ngày càng có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, cho dù có dấu hiệu thị trường lao động đang hạ nhiệt thì chưa chắc Fed sẽ giảm tốc độ nâng lãi suất cần thiết để chế ngự lạm phát.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát sẽ gây ra “đau đớn” cho nền kinh tế và số lượng việc làm tạo mới hàng tháng giảm đi có thể chính là một trong sự đau đớn mà Fed tính đến. Suy cho cùng, nếu không hạn chế hoạt động kinh tế và kìm hãm thị trường việc làm thì Fed sao có thể kiểm soát lạm phát được?

Theo Reuters, thị trường dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cả hai cuộc họp định kỳ tháng 6 và tháng 7.

Không có COVID, cũng không có tăng trưởng

Cái giá mà Trung Quốc phải trả để duy trì chiến lược Zero COVID đã khá rõ ràng. Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chủ trì một cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với sự tham gia của hơn 100.000 quan chức từ trung ương tới địa phương để bàn cách hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh tiếp tục chính sách Zero COVID.

Thủ tướng Lý Khắc Cường hối thúc các cơ quan chính phủ nỗ lực duuy trì việc làm và giảm thất nghiệp, đồng thời cam kết sẽ đạt được mức tăng trưởng “hợp lý” trong quý II này. Biểu đồ bên dưới cho thấy GDP quý I của Trung Quốc tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức tăng trưởng của quý liền trước.

 

 

Trung Quốc đã công bố một danh sách dài gồm 33 chính sách hỗ trợ nền kinh tế, và Thủ tướng Lý khẳng định các hướng dẫn thi hành sẽ sớm được ban hành.

Mặc dù vậy, nhiều nhà kinh tế đang dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm trong quý II sau khi nhiều số liệu ảm đạm được công bố, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Ngày 31/5 và 1/6 tuần này, các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sẽ được thông báo, cung cấp thêm thông tin về hoạt động của các nhà máy.

Thượng Hải dự kiến sẽ chấm dứt chuỗi tuần phong tỏa gắt gao vào ngày 1/6 tới, nhưng Bắc Kinh lại đang thắt chặt kiểm soát. Việc nhà đầu tư thiếu lòng tin là điều dễ hiểu. Biểu đồ sau đây cho thấy chỉ số CSI 300 gồm 300 cổ phiếu lớn nhất Trung Quốc hiện đang thấp hơn 18% so với đầu năm 2022 và kém 24% so với đầu 2021.

Chứng khoán Trung Quốc tụt dốc.

Đau đầu vì lạm phát

Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng của châu Âu tăng 7,4% so với cùng kỳ 2021. Đối với tháng 5, Reuters dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên thành 7,6%.

Vì vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ thắt chặt tiền tệ trong cuộc họp ngày 9/6 sắp tới.

Các nhà kinh tế và thành viên thị trường cho rằng sẽ có một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 7 nhưng nếu lạm phát quá cao, mức tăng có thể còn lớn hơn. Một số quan chức ECB đã ủng hộ các biện pháp mạnh tay để kìm hãm đà tăng của giá cả.

Cả Mỹ, Canada và New Zealand đều đã chọn phương án tăng lãi suất 50 điểm cơ bản thay vì mức 25 điểm thường thấy. Các nước này trước kia đều đánh giá quá thấp nguy cơ lạm phát.

ECB vẫn chưa bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất. Nhưng trong bối cảnh lạm phát đang cao hơn nhiều mức mục tiêu 2%, tình hình có thể sẽ sớm thay đổi.

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung Euro lên cao kỷ lục, vượt xa mức mục tiêu 2%.

Ông Alex Chaloff, đồng Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Bernstein Private Wealth Management dự báo Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong mỗi cuộc họp vào tháng 6 và tháng 7. Thị trường chứng khoán Mỹ nhiều khả năng sẽ biến động thất thường trong giai đoạn thắt chặt này.

Tuy nhiên, một khi Fed quay lại với thông lệ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, thị trường có thể sẽ hồi phục mạnh mẽ, ông Chaloff nhận xét.

Song Ngọc