|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ thăng hoa dẫu nền kinh tế xấu đi, nhưng cuộc vui rồi cũng sẽ tàn

16:37 | 22/08/2022
Chia sẻ
Chứng khoán Mỹ vẫn tăng mạnh so với ba năm trước dẫu cho tình hình kinh tế đã xấu đi đáng kể. Nhưng rốt cuộc, thị trường chứng khoán vẫn sẽ phải chịu tác động bởi những gì xảy ra trong nền kinh tế thực.

 

(Hình minh họa: Pixabay). 

Nền tảng vững chắc

Hãy suy nghĩ về câu hỏi sau. Đầu tiên, thử tưởng tượng nền kinh tế dường như đang ở gần cuối chu kỳ phát triển, tỷ lệ thất nghiệp gần với mức thấp nhất trong lịch sử, dự báo tăng trưởng thấp, lãi suất trên đà giảm và chứng khoán tăng cao.

Ba năm sau, nền kinh tế không lớn hơn trước là bao, tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn chút nữa, dự báo tăng trưởng giảm hẳn và ngân hàng trung ương quyết liệt tăng lãi suất. Lúc này, chứng khoán và các tài sản rủi ro khác sẽ như thế nào?

Câu trả lời đúng - ít nhất là cho đến hiện tại - là thị trường chứng khoán vẫn tăng 30%. Nền kinh tế cuối chu kỳ đó là nước Mỹ năm 2019, và nền kinh tế hiện nay thì xấu đi về mọi phương diện đối với các nhà đầu tư - trừ lợi nhuận béo bở mà doanh nghiệp tạo ra. 

 

 

Sau cuộc suy thoái ngắn nhưng sâu rộng trong đại dịch, GDP quý II/2022 của Mỹ tăng 2,5% so với cuối năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp 3,5% hiện nay thấp hơn chút ít so với năm 2019, và là con số nhỏ nhất kể từ kể từ cuối thời kỳ bùng nổ kinh tế thập niên 1960.

Công ty khảo sát Consensus Economics tính toán rằng dự báo trung bình cho tăng trưởng kinh tế năm tới là 1%, bằng một nửa trong năm 2019. Cuối cùng, lãi suất hiện tại cao hơn hẳn năm 2019 và đang trên đường tăng “nhờ” lạm phát phi mã.

Điều may mắn cho các nhà đầu tư là nền kinh tế có vẻ không quan trọng mấy với chứng khoán – dù điều này có thể sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Lợi nhuận dự báo cho 12 tháng tới đã tăng 1/3, và giá chứng khoán cũng vậy. Có vẻ như miễn là chi phí leo thang có thể được đẩy sang khách hàng, chẳng ai bận tâm đến lương tăng nhanh và nền kinh tế trì trệ.

Không hẳn là nền kinh tế Mỹ không can hệ gì tới thị trường. Suy thoái đã tạo ra cú sốc khủng khiếp với chứng khoán Mỹ trong năm 2020. Và trong năm nay, chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) kết hợp với lo ngại về tăng trưởng đã lấy mất 20% của chỉ số S&P 500, chủ yếu qua việc giảm định giá. Nhưng miễn là lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai, thì chứng khoán vẫn còn nền tảng vững chắc, tờ Wall Street Journal cho biết. 

 

Rủi ro tương lai

Song, giá chứng khoán không phải là không có rủi ro. Lợi nhuận được tạo ra từ chênh lệch giữa doanh thu và chi phí, và trong năm nay rất nhiều chi phí đã tăng nhanh hơn doanh số. Chi phí lao động tăng, năng suất giảm.

Chi phí đầu vào tăng, biên lợi nhuận nội địa sau thuế giảm về mức bằng với năm 2019 sau khi leo lên kỷ lục năm ngoái. Kết quả là đối với doanh nghiệp Mỹ, sự gia tăng của lợi nhuận thuần túy đến từ sự gia tăng của doanh thu, và phần lớn số đó là lạm phát.

Một lần nữa, nhà đầu tư có vẻ không phiền lòng, vì thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Biên lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 đã đi ngược với xu hướng kinh tế chung và vẫn cao hơn so với năm 2019.

Biên lợi nhuận dự báo đang giảm nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là với nhóm Big Tech. Trên hết, doanh thu của các công ty lớn tăng nhanh hơn nhiều tốc độ tăng trưởng và lạm phát. Biên lợi nhuận lớn hơn cùng doanh số cao hơn chính là những gì nhà đầu tư muốn.

Câu hỏi quan trọng là thị trường chứng khoán Mỹ sẽ còn “ngắt kết nối” với nền kinh tế trong bao lâu. Có nhiều lý do khiến thị trường chứng khoán chia tách với nền kinh tế, ví dụ như các cuộc IPO, phát hành cổ phiếu, sự thay đổi của định giá và lợi nhuận từ thị trường quốc tế. Nhưng lịch sử cho thấy có mối liên kết chặt chẽ giữa lợi nhuận nói chung và tăng trưởng kinh tế, dù sự ràng buộc này đã biến mất trong ba năm qua.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tách biệt là thị trường chứng khoán Mỹ đã chịu tác động lớn từ các công ty công nghệ. Không ít công ty trong số đó là kẻ hưởng lợi trong đại dịch khi nhu cầu của người tiêu dùng chuyển sang môi trường trực tuyến, giúp duy trì tăng trưởng chóng mặt.

Có lẽ giờ các yếu tố đó sẽ đảo ngược trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các công ty công nghệ gia tăng và các cơ quan chống độc quyền mạnh tay hơn.

Ba năm vừa rồi đã chứng tỏ rằng thị trường chứng khoán không phải nền kinh tế. Nhưng những gì xảy ra trong nền kinh tế sẽ có ảnh hưởng tới chứng khoán. Tăng trưởng chậm lại, lạm phát gia tăng và lãi suất đi lên không phải công thức cho thành công lâu dài.

Giang