|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một cổ phiếu 'nóng' đến mức các tay bán khống cũng không dám động vào, dù giá đã giảm 90%

15:50 | 17/08/2022
Chia sẻ
Giá cổ phiếu AMTD Digital đã giảm hơn 90% kể từ đỉnh thiết lập hồi tháng 8. Chi phí vay cổ phiếu cao và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp khiến phe bán khống cũng khống dám đặt cược chống lại AMTD Digital.

 

Ông Calvin Choi, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch AMTD Digital. (Ảnh: SGX). 

“Trùm sò của mọi vụ bán khống” 

Xét theo bất kỳ thước đo nào, AMTD Digital cũng là một trong những cổ phiếu được định giá quá cao thuộc hàng top thế giới. Cổ phiếu của công ty dịch vụ tài chính tí hon ở Hong Kong này đang được giao dịch với giá lớn gấp hơn 400 lần thu nhập, trong khi đó hệ số P/E của Goldman Sachs chỉ là 6 lần.

Giá AMTD Digital đã giảm hơn 90% kể từ đỉnh thiết lập đầu tháng 8 năm ngoái. Dẫu vậy, thị giá AMTD Digital hiện nay vẫn cao hơn 2.221% giá IPO trên sàn New York 5 tuần trước, ngang ngửa với mức tăng của GameStop trong thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt cổ phiếu meme.

Một nhà phân tích đã gọi AMTD Digital là “trùm sò của mọi vụ bán khống”. Nhưng khi hỏi các nhà bán khống chuyên nghiệp, hầu như họ sẽ trả lời rằng cổ phiếu này rủi ro đến mức khó có thể đặt cược chống lại.

Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng nhỏ và thanh khoản thấp khiến cho việc đi vay AMTD Digital trở nên cực kỳ đắt đỏ với các tay bán khống. Biến động cực kỳ lớn của AMTD Digital cũng có thể đánh văng mọi vị thế bán khống trong nháy mắt.

Bán khống là hành động vay cổ phiếu và bán ở thời điểm hiện tại rồi đi mua cổ phiếu để trả lại trong tương lai. Nếu giá giảm, giá mua vào sẽ thấp hơn giá bán ra ban đầu và người bán khống có lãi. Nếu giá tăng, bên bán khống bị lỗ.

Ông Soren Aandahl, Giám đốc đầu tư của Blue Orca Capital, công ty chuyên đặt cược chống lại các doanh nghiệp ở Trung Quốc và Hong Kong, trả lời một cuộc phỏng vấn: “Nếu bạn là một nhà bán khống chuyên nghiệp, bạn cần tránh xa AMTD Digital. Cổ phiếu này biến động mạnh đến mức nó thực sự nguy hiểm”.

Sự thận trọng của phe bán khống giúp giải thích vì sao AMTD Digital – một công ty ít người biết ngay cả trong giới tài chính của Hong Kong – vẫn đang được định giá hơn 30 tỷ USD, lớn hơn một nửa số doanh nghiệp trong S&P 500.

Bản cáo bạch của AMTD Digital viết rằng doanh thu và lợi nhuận từ các hợp đồng với khách hàng trong 10 tháng tính đến tháng 2 năm nay lần lượt đạt 21,5 và 23,9 triệu USD.

Trong bối cảnh các cổ phiếu meme như GameStop trỗi dậy lần nữa, AMTD Digital là lời nhắc nhở rằng mức tăng phi lý của cổ phiếu có thể tồn tại lâu hơn những gì mọi người tưởng. Một phần nguyên nhân là bán khống rất rủi ro và các quỹ đầu cơ đã phải nếm rất nhiều đau thương để rút ra bài học này trong cơn cuồng cổ phiếu meme.

 

Nhiều lựa chọn khác

AMTD Digital đã khiến Phố Wall phải kinh ngạc sau khi tăng sốc hơn 32.000% chỉ trong vài tuần. Có lúc vốn hóa công ty này vượt quá 400 tỷ USD, lớn hơn cả những “cây đa cây đề” như Goldman Sachs hay JPMorgan. Một số gương mặt mới từ Hong Kong hay Trung Quốc đại lục cũng chứng kiến đà tăng khó hiểu tương tự, thu hút sự chú ý của các nhà quản lý Mỹ.

Trong tuyên bố ra ngày 2/8 với tiêu đề “Lời cảm ơn tới các nhà đầu tư”, AMTD Digital cho biết công ty đang theo dõi thị trường để tìm kiếm sự bất thường trong giao dịch và khẳng định không biết “bất kỳ hoàn cảnh hay sự kiện nào” đang ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Các nhà quan sát thị trường do Bloomberg phỏng vấn cũng lắc đầu khó hiểu trước mức tăng vũ bão của AMTD Digital. Theo dữ liệu của Bloomberg, Tellimer là công ty chứng khoán đầu tiên và duy nhất theo dõi AMTD Digital. Hôm 15/8, Tellimer ra khuyến nghị bán cho cổ phiếu này trong báo cáo có tựa: “AMTD Digital: Trùm sò của mọi vụ bán khống”.

Tuy đà tăng của AMC và GameStop được thúc đẩy bởi nỗ lực chung của các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhằm trừng phạt phe bán khống, nhà phân tích Nirgunan Tiruchelvam của Tellimer nói rằng AMTD “có vẻ là một trường hợp rất kỳ lạ”.

Theo dữ liệu của Markit, tỷ lệ cổ phiếu bị bán khống trên số cổ phiếu đang lưu hành của AMTD Digital còn chưa đến 0,1%. Một trong những trở ngại lớn của các tay bán khống là chi phí quá cao để vay cổ phiếu này.

Ghi nhận ngày 15/8, các nhà bán khống sẽ phải trả lãi suất hàng năm lên đến 900% để vay AMTD Digital, Giám đốc đầu tư Aandahl của Blue Orca cho biết. Còn chi phí để vay cổ phiếu các công ty có vốn hóa lớn chỉ vào khoảng 1%. Chỉ có khoảng 10% cổ phiếu AMTD Digital được giao dịch tự do, khiến cổ phiếu này rất dễ bị dao động mạnh. Ông Aandahl kết luận: “Có nhiều cổ phiếu dễ bán khống hơn nhiều”.

Giang