|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu ngân hàng Hong Kong tăng sốc 2.325% ngay khi lên sàn tại Mỹ

17:32 | 08/08/2022
Chia sẻ
Giá cổ phiếu Magic Empire tăng sốc đã giúp ngân hàng này đạt vốn hóa 1,9 tỷ USD, dẫu doanh thu chỉ là 2,2 triệu USD và có 9 nhân viên tính đến cuối năm 2021. Cổ phiếu một số công ty mà Magic Empire giúp niêm yết tại Hong Kong cũng nhảy vọt trong ngày đầu lên sàn.

Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters). 

Hiện tượng lạ

Lại thêm một công ty tài chính Hong Kong khiến nhà đầu tư kinh ngạc với đà tăng chóng mặt của giá cổ phiếu sau khi niêm yết tại Mỹ.

Magic Empire Global là ngân hàng đầu tư cung cấp dịch vụ cố vấn và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Từ năm 2020, Magic Empire mới chỉ giúp một công ty lên sàn.

Giá cổ phiếu của Magic Empire nhảy vọt 2.325% trong phiên giao dịch đầu tiên tại New York hôm 5/8. Vốn hóa của ngân hàng này hiện nay là 1,9 tỷ USD, còn lớn hơn câu lạc bộ bóng đá Manchester United.

Magic Empire là công ty thứ 7 trong năm nay có trụ sở ở Hong Kong hoặc Trung Quốc đại lục chứng kiến đà tăng giá cổ phiếu khủng khiếp đến vậy.

Ông Ken Shif, trưởng bộ phận quản lý tài sản khu vực Trung Quốc tại Saxo Capital Markets nhận xét: “Mức giá của Magic Empire rõ là không thể duy trì được. Tại thời điểm này, rủi ro giá cổ phiếu giảm lớn hơn hẳn tiềm năng tăng”. Ông nói thêm rằng nếu không biết ai là người mua thì khó có thể đánh giá đúng cổ phiếu này.

 

Tuần trước, vốn hóa của nhà cung cấp dịch vụ tài chính Hong Kong AMTD Digital đã có lúc vượt qua cả Goldman Sachs sau khi giá cổ phiếu nhảy vọt 14.000% trong chưa đầy một tháng.

Diễn biến giá của AMTD Digital và Magic Empire đặc biệt đáng chú ý bởi hoạt động IPO trong thời gian qua khá yên ắng và các đại gia Trung Quốc như Alibaba và JD.com đều có nguy cơ bị hủy niêm yết nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ.

Magic Empire ghi nhận doanh thu 2,2 triệu USD trong năm 2021, giảm 17% so với năm trước đó. Đơn vị hoạt động chính của ngân hàng này – Giraffe Capital – chỉ hoàn thành đúng một cuộc IPO trong 2020 và không giúp công ty nào lên sàn hồi năm ngoái “do COVID-19 và triển vọng đầy biến động của thị trường vốn Hong Kong”, bản cáo bạch của Magic Empire giải thích.

Ông Kakei Lam, thuộc phòng đầu tư của công ty chứng khoán Metaverse Securities nói với Bloomberg: “Nhiều khả năng sự biến động dữ dội của Magic Empire là do cơ cấu sở hữu tập trung, và đây rõ ràng là dấu hiệu báo động đỏ. Tôi không cho là Magic Empire có sự tương đồng với cơn sốt cổ phiếu meme do khối lượng giao dịch rất thấp”.

Điểm đáng chú ý

Chủ tịch Gilbert Chan Wai-ho của Magic Empire và CEO Johnson Chen Sze-hon cùng nhau dẫn dắt Giraffe Capital. Sau khi được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ tài chính doanh nghiệp năm 2017, công ty chủ yếu giúp khách hàng IPO tại sàn giao dịch vốn hóa nhỏ GEM ở Hong Kong. Giraffe Capital thường hợp tác với các công ty chứng khoán nhỏ trong thành phố để bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Chủ tịch Cha và CEO Chen nắm giữ phần lớn cổ phiếu Magic Empire, tỷ lệ sở hữu của hai người lên đến 63%. Tính đến tháng 12/2021, công ty chỉ có 9 nhân viên. 

Có đến khoảng một nửa số công ty mà Giraffe Capital giúp IPO chứng kiến giá cổ phiếu bật tăng mạnh mẽ trong ngày đầu tiên lên sàn. Trong một số trường hợp, giá vọt lên tới 125%. Có 7 cổ phiếu đang được giao dịch với giá thấp hơn 30% – 92% giá IPO và một cổ phiếu khác đã bị hủy niêm yết.

Trong nửa đầu năm 2022, hoạt động gọi vốn trên thị trường IPO Hong Kong giảm tới 92%. Các công ty cố vấn tài chính vừa và nhỏ như Giraffe Capital có khoảng thời gian đặc biệt khó khăn bởi đa số khách hàng của họ là các doanh nghiệp nhỏ bé và bị các nhà quản lý giám sát chặt chẽ.

Trong năm 2017 và 2021, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai (SFC) và sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong đã đưa ra hai đợt cảnh báo về kiểu lừa đảo chứng khoán gắn liền với việc IPO của các công ty vốn hóa nhỏ. Những kẻ lừa đảo thao túng khối lượng giao dịch rất thấp để thổi phồng giá, dụ dỗ các nhà đầu tư khinh suất trước khi giá sụp đổ.  

Trước đây SFC đã chỉ ra 4 đặc điểm thường thấy của các cuộc IPO có vấn đề. Thứ nhất, vốn hóa gần như chỉ vừa đáp ứng ngưỡng tối thiểu. Thứ hai, hệ số giá/thu nhập (P/E) rất cao so với các yếu tố cơ bản và định giá của các công ty cùng ngành. Thứ ba, phí bảo lãnh phát hành hoặc các chi phí niêm yết khác cao một cách bất thường. Cuối cùng là cổ phần tập trung chủ yếu trong tay một số cổ đông.

Theo bản cáo bạch, doanh thu tương đối khiêm tốn giúp Magic Empire được xếp hạng là "công ty tăng trưởng mới nổi" theo luật pháp Mỹ. Những công ty trong nhóm này được giảm yêu cầu về báo cáo so với các công ty đại chúng lớn hơn niêm yết tại Mỹ.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.