|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường tài chính toàn cầu vừa thở phào nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro trong cuối năm

10:08 | 05/08/2022
Chia sẻ
Tuy cuộc bán tháo của các tài sản tài chính từ đầu năm đến nay diễn ra rất khốc liệt, nhưng thiệt hại nặng nề nhất đã được hạn chế trong một số khu vực mà không lan ra phần còn lại của thế giới. Vấn đề là nửa cuối năm 2022 vẫn còn rất nhiều rủi ro khác.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Alamy). 

Suy giảm trên diện rộng

Sau đợt bán tháo dữ dội nửa đầu năm, các nhà đầu tư trên thế giới cuối cùng cũng được thở phào. Ví dụ, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã quay trở lại mốc đầu tháng 6. Nhưng do năm 2022 còn lại chưa đầy 5 tháng, các thị trường tài chính sẽ cần một màn phục hồi ngoạn mục thì mới có thể giúp nhà đầu tư tránh được cảnh khép lại năm trong nỗi buồn. 

*Từ 1/1 đến 2/8. 

Sự sụt giảm của thị trường tài chính từ đầu năm đến nay diễn ra sâu rộng một cách bất thường. Nếu năm 2022 kết thúc ngay bây giờ, các nhà đầu tư vào chỉ số cổ phiếu toàn cầu MSCI All Country World sẽ lỗ 15% - kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Chưa hết, những nhà đầu tư muốn rút lui khỏi cổ phiếu cũng khó mà tìm thấy chỗ trú thân bởi nhiều loại tài sản khác cũng bị bầm dập, đặc biệt là trái phiếu. Tin tốt là cho đến nay nỗi đau chủ yếu tập trung vào một số loại tài sản và doanh nghiệp. Nhưng liệu sự may mắn này có kéo dài đến cuối năm hay không thì lại là điều không ai biết.

Theo tờ Economist, cổ phiếu và trái phiếu hiếm khi giảm cùng lúc. Khi cổ phiếu lao dốc vì nền kinh tế suy yếu, giá trái phiếu thường đi lên bởi kỳ vọng lãi suất được cắt giảm, giúp bù đắp tổn thất trong danh mục đầu tư. Ngược lại, cổ phiếu thường được lợi khi nền kinh tế mạnh mẽ, còn trái phiếu bị hắt hủi.

Sự sụt giảm kép lần này được gây ra bởi lạm phát leo thang, dự đoán về các đợt tăng lãi suất và niềm tin rằng tình hình kinh tế sẽ xấu đi. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới FTSE Global World Government Bond đã giảm 13%. Kể từ khi chỉ số này được thành lập vào năm 1986, chưa bao giờ trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu ghi nhận mức giảm hai chữ số trong cùng một năm.

 

Chứng khoán bị vùi dập tại hầu hết mọi thị trường. Các chỉ số chứng khoán chính ở châu Âu, Nhật Bản và thị trường mới nổi đều giảm điểm so với đầu năm. Tình cảnh ảm đạm chung khiến những tia sáng lẻ loi càng trở nên nổi bật.

Chỉ số Hàng hóa Bloomberg, bao gồm các mặt hàng năng lượng, công nghiệp và nông sản, đã đi lên 18% kể từ tháng 1. Doanh nghiệp dầu khí hưởng lợi lớn từ sự gián đoạn khủng khiếp đối với nguồn cung năng lượng mà cuộc chiến tại Ukraine của Nga gây ra.

Chỉ số chứng khoán MSCI của các nước xấu khẩu dầu như UAE, Arab Saudi và Kuwait đều tăng điểm. Chỉ số của Brazil và Indonesia, các nhà sản xuất lớn của những mặt hàng khác, cũng có diễn biến tương tự. Chỉ số MSCI Chile nhảy vọt 20% từ đầu năm đến nay, nhưng một thị trường có vốn hóa dưới 40 tỷ USD như Chile không giúp ích được nhiều cho giới đầu tư.

Nếu như tình cảnh đen tối này diễn ra 20 năm trước, có lẽ bạn sẽ đoán rằng các công ty tài chính phương Tây sắp chao đảo. Nhưng một trong điều bất thường nhất của thị trường hiện nay là hầu như các rắc rối nghiêm trọng chỉ tập trung trong hai nhóm – và không bao gồm các công ty tài chính phương Tây chính thống. 

Nhóm thứ nhất là các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc. Doanh số của các công ty bất động sản đã đổ sụp trong năm nay do lo ngại về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và tác động kinh tế của các đợt phong tỏa COVID-19.

Cho đến gần đây, nhà phát triển bất động sản Country Garden vẫn có xếp hạng tín dụng cấp đầu tư. Nhưng hiện giờ, lô trái phiếu đáo hạn tháng 1/2024 của công ty trả lợi suất lên đến hơn 100%, gấp nhiều lần mức 5% cùng thời điểm này năm ngoái. Nhưng các biện pháp kiểm soát vốn của Bắc Kinh đã giúp giới hạn phần lớn chấn động bên trong biên giới Trung Quốc.

Nhóm thứ hai là tiền mã hóa và tài chính phi tập trung. Celsius, Terra và Three Arrows Capital, lần lượt là các công ty cho vay tiền mã hóa, stablecoin và quỹ đầu cơ tiền mã hóa đều đã đổ nhào.

Rủi ro cuối năm

Câu hỏi quan trọng cho phần còn lại của năm 2022 là liệu rắc rối của các khu vực gặp khó khăn có lan sang những vùng khác không. Ngay lúc này, các thị trường mới nổi đã lộ rõ sự căng thẳng khi phải đương đầu với lãi suất toàn cầu gia tăng cùng lúc giá lương thực cùng năng lượng leo thang.

Đến cuối tháng 7, khoảng 36% nhà phát hành trái phiếu thuộc chỉ số JPMorgan Chase Emerging Market Bond phải trả lãi suất hơn 10%. May mắn cho phương Tây là theo thời gian, các tổ chức tài chính chính thống của họ đã không còn dễ bị tổn thương vì thị trường mới nổi như trước.

Các nhà đầu tư cũng có thể phải để mắt theo dõi xem liệu khủng hoảng năng lượng của khu vực đồng euro có trầm trọng thêm vào mùa đông hay không. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang cố phòng vệ trước nguy cơ này bằng cách tạo ra cơ chế mới nhằm hạn chế sự biến động của thị trường trái phiếu.  

Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn và đắt đỏ, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nợ nần trên toàn thế giới có thể phải đối mặt với sự suy kiệt tín dụng.

Giang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.