|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bất động sản mất giá, nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau mua ngọc quý kiếm lời

13:53 | 08/08/2022
Chia sẻ
Cảnh bán tháo trên thị trường chứng khoán và làn sóng vỡ nợ trong thị trường bất động sản đã thúc đẩy giới nhà giàu Trung Quốc quay trở lại hình thức đầu tư lâu đời nhất là ngọc cẩm thạch.

 

Một phụ nữ cầm trên tay chiếc vòng đá quý xa xỉ. (Ảnh: Getty Images). 

Tài sản an toàn 

Cuộc đảo chính ở Myanmar, các lệnh trừng phạt của Mỹ và đại dịch COVID-19 gần như đã đóng băng nguồn cung ngọc thô, kéo giá trang sức ngọc cẩm thạch tăng vọt.

Myanmar hiện sản xuất khoảng 70-90% nguồn cung ngọc cẩm thạch trên toàn thế giới, loại quý hiếm và giá trị hơn trong số hai loại ngọc được gọi chung là ngọc bích. Một lượng lớn ngọc cẩm thạch được bán cho người mua ở Trung Quốc và Đông Nam Á, tờ Financial Times cho biết. 

Ông Tommy Chan, chủ sở hữu một doanh nghiệp tại Hong Kong, nhận định: “Sản lượng ngọc cẩm thạch ngày càng ít. Giá cả chắc chắn sẽ đi lên". Gần đây ông Chan đã bắt đầu mua các món đồ trang sức ngọc cẩm thạch rẻ hơn loại cao cấp, với giá khoảng 80.000-200.000 HKD/mỗi món (tương đương 10.200-25.500 USD).

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc nặng nề trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về chính sách “Zero COVID” nghiêm ngặt và tranh cãi giữa các nhà quản lý ở Bắc Kinh và Washington. Chỉ số CSI 300 đã giảm 15% từ đầu năm đến nay, còn chỉ số Hang Seng ở Hong Kong mất 13%.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc chấn động bởi làn sóng vỡ nợ trên thị trường bất động sản. Cùng lúc đó, giá nhà lại lao dốc trong 10 tháng liên tiếp sau khi giới hoạch định chính sách tìm cách hạn chế nợ nần của các nhà phát triển bất động sản và giới hạn cho vay thế chấp.

Ông Will Wang, trưởng bộ phận giải pháp khách hàng tại VP Wealth Management nhận xét: “Nhà đầu tư phải tìm cách đa dạng hóa. Nhiều nhà đầu tư sẽ phân bổ tài sản vào ngọc bích và ngọc cẩm thạch”.

Ngọc bích được chạm khắc trong một xưởng đá quý ở chợ Ngọc Mandalay, Myanmar. (Ảnh: Bloomberg).  

Giữa các xu hướng toàn cầu như lạm phát tăng nóng và lo ngại về căng thẳng địa chính trị bùng phát, ngày càng nhiều nhà đầu tư coi các món đồ trang sức xa xỉ là hầm trú ẩn an toàn và sự lựa chọn thay thế cho chứng khoán.

Ông Daryl Ho, chuyên gia đầu tư cấp cao tại ngân hàng DBS của Singapore cho biết các đòn trừng phạt Nga của phương Tây đã làm tăng sức hấp dẫn của những loại tài sản mà các cá nhân có thể tự nắm giữ và không cần phụ thuộc vào bên thứ ba, ví dụ như ngân hàng.

Ông nói về các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga: “Chúng tôi đã chứng kiến những người mất một nửa giá trị ròng trong nháy mắt bởi quyết định của các chính trị gia”.

Bà Kitty Chan, Giám đốc Hiệp hội các nhà Sản xuất Trang sức và Ngọc bích Hong Kong, nói rằng bề ngoài thô ráp của ngọc cẩm thạch và sự dựa dẫm của ngành vào các buổi đấu giá trực tiếp khiến người không chuyên gần như không thể mua được ngọc chất lượng cao. Do đó, nhà đầu tư lùng mua các món đồ trang sức đã chế tác như một lựa chọn thay thế.

Sách trắng Tiêu thụ của ngành cẩm thạch Trung Quốc năm 2021 ước tính rằng ngọc cẩm thạch và trang sức đã trở thành đồ sưu tập yêu thích của các nhà đầu tư giàu có ở Trung Quốc, vượt qua cả đồng hồ, xe sang và rượu quý. Có tới 27% nhà giàu tư giàu có muốn sở hữu loại ngọc này.

Bà Chan nói rằng thậm chí khách hàng còn mua cả ngọc cẩm thạch tầm trung, dù theo truyền thống thì chúng không được coi là đạt chất lượng đầu tư. 

Người mua bán tại chợ Ngọc Mandalay. (Ảnh: Bloomberg).  

Bán lại gấp 10 lần

Theo tờ Financial Times, chính biến ở Myanmar hồi tháng 2 năm ngoái và cuộc nội chiến bùng nổ sau đó đã làm gián đoạn nguồn cung ngọc cẩm thạch. Tiếp theo, Mỹ trừng phạt một loạt các nhân vật và tổ chức cấp cao trong ngành đá quý có liên quan đến quân đội Myanmar, càng khiến nguồn cung giảm sút thê thảm.

Giám đốc Chan nói thêm: “Từ năm 1990 đến 2000, bạn có thể bán lại ngọc cẩm thạch với giá cao nhất là gấp đôi hoặc gấp rưỡi giá mua ban đầu. Nhưng bây giờ nếu có ngọc tốt, bạn có thể đòi giá cao hơn cả chục lần”.

Giá trị các lô hàng trang sức có chứa ngọc trai, đá quý và đá bán quý từ Hong Kong - một trong những trung tâm quan trọng nhất của ngọc cẩm thạch chất lượng cao trên thế giới – đã tăng hơn 100% vào năm ngoái.

Ông Calvin Lo, nhà đầu tư người Hong Kong đã giúp thành lập quỹ đầu tư Legacy Jewellery Fund hồi tháng 5 giải thích: “Trong thời COVID-19 có rất nhiều tiền mặt nhàn rỗi, nên mọi người muốn tìm cách để dùng tiền”.

Bà Vickie Sek, Chủ tịch chi nhánh trang sức châu Á của công ty đấu giá Christie’s cho biết mối quan tâm đối với ngọc cẩm thạch chất lượng cao “ngày càng tăng” nhờ vào nhu cầu từ nhà đầu tư và người mua trẻ tuổi.

Bà nói thêm rằng các khách hàng đầu tư vào ngọc cẩm thạch cao cấp người Trung Quốc thường truyền lại chúng cho thế hệ sau, khiến nguồn cung trở nên eo hẹp hơn nữa. Bà nói: “Những miếng ngọc chất lượng bậc nhất không bao giờ mất giá”. 

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.