Chứng khoán Mỹ sụt giảm sau cảnh báo của CEO JPMorgan Chase
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 177 điểm, tương đương 0,54%, và kết phiên ở 32.813 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số blue chip này tăng 280 điểm và cũng có khi mất 400 điểm.
S&P 500 giảm 0,75% xuống còn 4.101 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 0,72% và đóng cửa ở 11.994 điểm. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ sau ba phiên tăng liên tục.
CNBC dẫn lời bà Liz Young, Giám đốc chiến lược đầu tư của công ty tài chính cá nhân SoFi, nhận định: “Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều biến động trong nửa đầu tháng 6 hoặc phần lớn tháng 6, bởi vì sẽ không có thông tin gì để trấn an nhà đầu tư trong khoảng thời gian đó”.
Cổ phiếu tài chính là nhóm diễn biến tiêu cực nhất S&P 500 trong phiên đầu tháng 6. Goldman Sachs và JPMorgan Chase đều giảm hơn 1%. Cổ phiếu vật liệu thường nhạy cảm với chu kỳ kinh tế cũng đi xuống rõ rệt. Đại gia thép Nucor chứng kiến cổ phiếu giảm 1,3%. Cổ phiếu hóa chất Albemarle lao dốc 7,8%, Mosaic mất 6,1%.
Các cổ phiếu hàng không và du lịch cũng đóng cửa dưới tham chiếu. Norwegian Cruise Line và United Airlines cùng giảm khoảng 4,5%. Boeing mất 0,6%.
Cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất khởi sắc trong chỉ số S&P 500 phiên 1/6, như thống kê trên đây cho thấy. Chevron tăng gần 1%, Occidental Petroleum mất 1,6%, ExxonMobil vượt trội với mức tăng 1,9%.
Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế giao tháng 8 tăng vọt lên gần 123 USD/thùng trong phiên 31/5 sau khi châu Âu tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu 90% dầu từ Nga. Đến ngày 1/6, giá dầu hạ nhiệt xuống 116 USD/thùng sau tin Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể đang xem xét dừng hợp tác với Nga.
Lốc xoáy kinh tế
Tâm lý nhà đầu tư phiên 1/6 chịu ảnh hưởng đáng kể sau khi tỷ phú Jamie Dimon, CEO kiêm Chủ tịch ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase cảnh báo nền kinh tế đang tiến vào “một trận lốc xoáy”.
“Các bạn phải gắng sức chuẩn bị đi. JPMorgan đang chuẩn bị cho bản thân mình rồi và chúng tôi sẽ rất thận trọng khi phân bổ bảng cân đối kế toán”, ông Dimon phát biểu tại một hội nghị trong ngành tài chính.
CEO JPMorgan Chase cho biết một nhân tố khiến ông lo ngại là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất và đảo ngược các biện pháp hỗ trợ từng áp dụng đầu đại dịch.
Ngày 1/6 đánh dấu bước khởi đầu của quá trình Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán đang có quy mô khổng lồ gần 9.000 tỷ USD.
Sau thời gian liên tục bơm tiền để kích thích kinh tế và làm cho bảng cân đối kế toán phình to trong đại dịch, Fed đã điều hành bảng cân đối đi ngang trong nhiều tuần gần đây, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Theo kết luận của cuộc họp ngày 3-4/5, các quan chức Fed thống nhất sẽ giảm quy mô bảng cân đối đi 47,5 tỷ USD vào tháng 6, sau đó tăng tốc lên thành 95 tỷ USD mỗi tháng.
Từ đầu năm đến nay, Fed cũng đã hai lần nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bao gồm một lần thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 3 và một lần thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 5.
Ngày 1/6, bà Mary Daly, Chủ tịch chi nhánh San Francisco của Fed tuyên bố ủng hộ nâng lãi suất thật mạnh cho đến khi lạm phát được kiểm soát. Trước đó vào ngày 30/5, ông Christopher Waller, một trong 7 Thống đốc của Fed – khẳng định ông sẵn sàng nâng lãi suất lên trên mức “trung tính” để chống lạm phát.