|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm sau khi Iran tấn công Israel

06:49 | 02/10/2024
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm sau khi Iran tiến hành cuộc tấn công tên lửa vào Israel. Tuy nhiên, mức giảm không quá lớn trong bối cảnh thị trường kỳ vọng thiệt hại và động thái trả đũa của Israel sẽ ở mức tối thiểu.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 1/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 173 điểm - tương đương 0,41% - xuống 42.157 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,93%, đóng cửa với 5.709 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tụt 1,53% xuống 17.910 điểm. 

 

Giá dầu WTI vọt tăng hơn % lên mức cao nhất là 71,67 USD/thùng sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết Iran vừa phóng tên lửa vào nước này. Chỉ số biến động CBOE (VIX) hay thước đo nỗi sợ của Phố Wall có lúc đã vượt qua mức 20. 

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu sau đó đã thu hẹp, trong khi cổ phiếu có sự phục hồi từ đáy khi thị trường hy vọng thiệt hại và biện pháp trả đũa trong tương lai của Israel sẽ ở mức tối thiểu. 

Giá dầu vọt tăng nhưng vẫn quanh mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024.

Ông Keith Buchanan, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt Investments, cho biết: "Nỗi sợ lây lan luôn gây mất ổn định". 

“Ngoài tác động lớn nhất đến tính mạng con người, thị trường sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi có những thế lực đe dọa tạo ra một mức độ bất ổn nào đó”, ông nói thêm.

Khoảng 60% cổ phiếu S&P 500 đã giảm trong ngày 1/10, cho thấy nỗi lo sợ lan rộng trên thị trường. Tuy nhiên, cổ phiếu năng lượng lại hưởng lợi đáng kể sau căng thẳng ở khu vực Trung Đông và tăng hơn 2%. 

 

Cổ phiếu công nghệ đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi Tesla, Nvidia và Apple đều chốt phiên ở mức thấp hơn. Trong khi đó, cổ phiếu Meta (Facebook) đi ngược xu hướng và đạt mức cao nhất mọi thời đại trong phiên giao dịch. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng bị ảnh hưởng, với chỉ số Russell 2000 giảm 1,5%. 

Ngoài diễn biến tại Trung Đông, thị trường cũng đang theo dõi cuộc đình công của Hiện hội Công nhân Bốc xếp Quốc tế ở Bờ Đông và Bờ Vịnh Mỹ. Cuộc đình công sẽ chưa gây ảnh hưởng ngay tới người tiêu dùng Mỹ nhưng có thể khiến nền kinh tế số một thế giới thiệt hại hàng trăm triệu USD. 

Chỉ một ngày trước, S&P 500 và Dow Jones đã đóng cửa ở mức kỷ lục và khép lại tháng 9 cũng như quý III thành công. Tháng 9 thường là quãng thời gian khó khăn nhất với cổ phiếu nhưng trong năm nay, thị trường đã phá vỡ xu hướng này. 

Cổ phiếu tăng trong phiên 30/9 khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố ngân hàng trung ương “không đi theo bất cứ lộ trình định sẵn nào” khi quyết định lãi suất chính sách. Ông kỳ vọng sẽ có thêm hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản trong năm 2024 nếu nền kinh tế diễn biến như kỳ vọng. 

Hiện tại, các nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý đến báo cáo việc làm tháng 9 dự kiến được công bố vào ngày 4/10. 

Minh Quang

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.