|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm khi lợi suất trái phiếu vọt tăng

07:09 | 06/02/2024
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều sụt giảm trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi lợi suất trái phiếu vọt tăng do kỳ vọng về quy mô và thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất bị lung lay.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 5/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 274 điểm (tương đương 0,71%) xuống 38.380 điểm. S&P 500 tụt 0,32%, chốt phiên với 4.943 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,2% và đóng cửa ở mức 15.598 điểm. 

 

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 4,157 % vào cuối ngày 5/2 khi các nhà đầu tư nhận được một loạt dữ liệu kinh tế mới cho thấy lãi suất chính sách có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn dự đoán. Tuần trước, có lúc lợi suất đã tụt xuống 3,81%. 

Ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư của Truist, nhận định: “Sự căng thẳng giữa một nền kinh tế mạnh mẽ và tác động của nó đến quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tạo ra những phiên điều chỉnh như hôm nay”. 

Lợi suất trái phiếu đã lên cao nhất trong hơn một tuần sau bình luận của Chủ tịch Fed. 

Ngày 4/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã lặp lại những bình luận mà ông đưa ra sau cuộc họp chính sách tháng 1. Ông Powell nhấn mạnh việc hạ lãi suất trong tháng 3 là khó xảy ra. 

Theo công cụ FedWatch của CME Group, kỳ vọng về việc cắt giảm đã tiếp tục đi xuống sau những lời nhận xét này. Xác xuất để Fed hạ lãi suất vào tháng 3 giảm còn 16%.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh tiếp tục khi McDonald’s công bố lợi nhuận và doanh thu phân hóa. Cổ phiếu của gã khổng lồ đồ ăn nhanh giảm 3,7%. Kết quả trên cũng làm dấy lên mối lo ngại về lợi nhuận của các doanh nghiệp bên ngoài lĩnh vực công nghệ trong phần còn lại của mùa báo cáo tài chính. 

Ngoài ra, cổ phiếu Boeing cũng sụt 1,3% sau khi có thêm những rắc rối liên quan đến dòng máy bay 737 Max. Cổ phiếu Tesla cũng kéo thị trường đi xuống khi giảm 3,7% do những lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng lớn và áp lực giá dai dẳng. 

 

Theo ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, các chỉ số kinh tế gần đây có thể vẽ ra một bức tranh kinh tế tươi sáng hơn so với thực tế. 

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng một số báo cáo gần đây như số việc làm phi nông nghiệp hay GDP đã đánh bật kỳ vọng. “Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu nền kinh tế Mỹ có tăng trưởng quá nhanh để duy trì xu hướng thiểu phát hay không”.

Ông Hatzius lưu ý rằng trong nửa cuối năm ngoái, GDP Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ chuẩn hóa theo năm là 4,1%. Đồng thời, số việc làm phi nông nghiệp tăng 353.000 việc làm trong tháng 1, vượt xa ước tính của Dow Jones.

Nhà kinh tế này cho biết cả hai con số này đều “cao hơn nhiều” ước tính của Goldman Sachs về xu hướng lâu dài của sản lượng thực tế và việc làm. 

Ông Hatzius cho rằng sản lượng thực tế chỉ tăng trưởng khiêm tốn khi một số chỉ số thay thế cho GDP, chẳng hạn như GDI (tổng thu nhập quốc nội) hay chỉ số hoạt động hiện tại của Goldman Sachs tăng chậm hơn so với GDP. Ngoài ra, ông cũng cho biết mức tăng trưởng việc làm trong tháng 1 được thúc đẩy bởi các yếu tố mùa vụ. 

Minh Quang