|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,3% trong quý IV, tốt hơn nhiều so với dự báo

20:51 | 25/01/2024
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,3% trong quý IV vừa qua (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Kết quả này tốt hơn đáng kể so với dự báo của Phố Wall.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ mới công bố, trong ba tháng cuối cùng của năm 2023, nền kinh tế số một thế giới đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia và bất chấp những lời cảnh báo về suy thoái.

Cụ thể, báo cáo cho thấy GDP quý IV tăng 3,3% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm) - cao hơn dự báo đồng thuận của Phố Wall là 2%. Trong quý III, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,9%.

Tính chung cả năm ngoái, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 2,5%, vượt xa triển vọng mà Phố Wall đưa ra vào đầu năm.

Chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế trong suốt cả năm. Báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy chi tiêu tiêu dùng cá nhân đã tăng 2,8% trong quý IV, chỉ giảm tốc nhẹ so với quý trước.

Chi tiêu của chính quyền tiểu bang và địa phương cũng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP khi tăng 3,7%. Chi tiêu của chính phủ liên bang đi lên 2,5% trong ba tháng cuối năm.

Cũng theo bản báo cáo, tổng đầu tư tư nhân trong nước tăng 2,1%, trở thành một động lực quan trọng khác của nền kinh tế.

Về mặt lạm phát, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 11/2023 tăng 2,7% so với một năm trước - thấp hơn đáng kể so với mức 5,9% vào tháng 11/2022.

Chỉ số PCEPI lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) đi lên 3,2% so với cùng kỳ. Hồi tháng 11/2022, PCEPI lõi tăng tới 5,1%. PCEPI lõi là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

 

Thị trường tài chính không phản ứng mấy với báo cáo của Bộ Thương mại. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ chỉ tăng nhẹ, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc đi xuống.

Một báo cáo khác của Bộ Lao động cho thấy tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần này đạt 214.000, tăng 25.000 so với tuần trước và vượt xa ước tính của các chuyên gia là 199.000.

Báo cáo GDP quý IV đã khép lại một năm mà hầu hết nhà kinh tế đều cảnh báo Mỹ ít nhất sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nông. Ngay cả Fed cũng dự báo nền kinh tế sẽ yếu đi do căng thẳng trong ngành ngân hàng hồi tháng 3.

Song, sức mạnh người tiêu dùng ổn định và thị trường lao động mạnh mẽ đã giúp thúc đẩy nền kinh tế trong cả năm. Giờ đây, nỗi lo suy thoái đã tạm lùi xa và các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ sớm hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát tiếp tục quay về mức mục tiêu 2% của các nhà hoạch định chính sách.

Dù vậy, nền kinh tế nhiều khả năng vẫn phải đối mặt với những thách thức khác trong tương lai. Một số chuyên gia lo ngại về tác động có độ trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt.

Kể từ tháng 3/2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 11 lần, qua đó kéo chi phí đi vay liên ngân hàng từ mức gần 0 lên phạm vi 5,25 - 5,5%. Đây là mức lãi suất cao nhất trong hơn 22 năm qua.

Các chuyên gia cho rằng để chính sách tiền tệ thắt chặt phát huy toàn bộ tác động lên nền kinh tế cần khoảng hai năm. Vì vậy, tăng trưởng GDP có thể giảm tốc trong thời gian tới.

 

Một số người khác băn khoăn rằng liệu người tiêu dùng có thể tiếp tục chi tiêu trong bao lâu khi mà tiền tiết kiệm thời đại dịch giảm dần và lãi suất tăng cao gây áp lực lên tài chính hộ gia đình.

Bên cạnh đó, chi tiêu tài khoá của chính phủ đang có vấn đề, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Khối nợ công của Mỹ đã vọt lên mức 34.000 tỷ USD và sẽ tiếp tục phình to. Thâm hụt ngân sách liên bang vượt 500 tỷ USD chỉ trong ba tháng đầu năm tài khoá 2024.

Ngoài ra, các chuyên gia còn lo ngại về môi trường chính trị khi mà Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống mới và căng thẳng ở Trung Đông cũng như chiến sự tại Ukraine chưa chấm dứt.

Yên Khê