|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những ngành công nghiệp cứu nước Mỹ khỏi suy thoái và lạm phát vào năm ngoái

15:36 | 22/01/2024
Chia sẻ
Sự phục hồi ngoạn mục của nguồn cung là yếu tố chính giúp giá của nhiều sản phẩm chững lại hoặc giảm xuống trong năm 2023, bất chấp nhu cầu mạnh mẽ.

(Ảnh minh hoạ: AP, Reuters, Getty Images, Wall Street Journal). 

Năm ngoái, nền kinh tế Mỹ đã khiến công chúng và các chuyên gia phải kinh ngạc.

Thứ nhất, lạm phát giảm mạnh hơn dự kiến. Tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 là 3,4%, thấp hơn 3 điểm % so với tháng 1.

Thứ hai, nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng 2,6% vào quý IV, theo khảo sát mới nhất của tờ Wall Street Journal (WSJ). Hồi tháng 4, các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP cả năm sẽ chỉ đạt 0,5%.

Thứ ba, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,7% thay vì vượt quá 4% như cảnh báo của nhiều chuyên gia.

Tăng trưởng kinh tế ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp thường không xuất hiện cùng lúc với xu hướng hạ nhiệt của lạm phát. Lý do bộ ba này đi cùng nhau trong năm 2023 là kể từ đại dịch, lạm phát và tăng trưởng được thúc đẩy bởi nguồn cung nhiều hơn là nhu cầu.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, các doanh nghiệp không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đang trên đà bùng nổ. Họ thiếu đất, lao động, linh kiện và khả năng vận chuyển. Kết quả là giá cả nhảy vọt.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không chịu ngồi yên khi có cơ hội kiếm lợi nhuận. Họ tăng sản lượng bằng mọi cách có thể - huy động vốn, tái tổ chức hoạt động sản xuất và tăng cường công suất.

*GDP và lạm phát PCE thực tế là ước tính quý IV/2023 của các chuyên gia.

Hàng không

Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết trong 10 tháng đầu năm 2023, số lượt khách mà các hãng hàng không phục vụ cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 13%, nhưng giá vé máy bay cả năm lại giảm 5%. Một phần nguyên nhân là giá nhiên liệu giảm, phần khác là do công suất vận chuyển nội địa tăng nhanh hơn số hành khách.

Khi ngành du lịch suy sụp vào năm 2020, các hãng hàng không đã hủy bỏ nhiều chặng bay, cho máy bay đắp chiếu và khuyến khích nhân viên nghỉ hưu.

Khi các nước mở cửa trở lại, xu hướng “du lịch phục thù” khiến các hãng bay bị bất ngờ. Rắc rối lớn nhất của họ là tình trạng thiếu hụt lao động. Ông Greg Muccio, trưởng bộ phận thu hút nhân tài của Southwest Airlines, cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng tôi bị hạn chế vì vấn đề nhân lực”.

*Là thước đo khả năng chuyên chở để tạo ra doanh thu của máy bay, được tính bằng cách nhân số dặm trong hành trình với số ngồi có sẵn trong chuyến bay. 

Bắt đầu từ năm 2022, Southwest đã tổ chức các sự kiện tuyển dụng lớn, thường là trong các khách sạn gần sân bay. Tính đến tháng 10/2023, Southwest có 74.000 nhân viên, nhiều hơn 19.000 so với cuối năm 2021 và cao hơn mức trước đại dịch. Nhờ vậy mà trong 9 tháng đầu năm 2023, Southwest tăng được 15% công suất so với một năm trước.

Tình trạng thiếu hụt phi công là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, bởi những người này cần được huấn luyện nhiều năm. Để tận dụng tối đa số phi công trong biên chế, một số hãng hàng không chuyển công suất sang những tuyến bay đông đúc hơn và nâng cấp lên máy bay cỡ lớn hơn.

Dầu mỏ

Trong thị trường năng lượng, vấn đề nguồn cung thường phát sinh từ căng thẳng địa chính trị. Sau khi Nga tấn công Ukraine, phương Tây áp lệnh cấm vận lên dầu mỏ Nga.

Trong những năm trước, khi giá dầu tăng, các công ty năng lượng Mỹ thường phản ứng bằng cách khoan thêm dầu. Nhưng lần này, dưới áp lực phải tăng lợi nhuận cho cổ đông, doanh nghiệp đã hạn chế chi tiêu cho tài sản cố định để ưu tiên trả cổ tức và mua cổ phiếu quỹ.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều nhà sản xuất tư nhân đã quyết định tăng sản lượng. Một số nhà sản xuất làm được điều này chỉ với một giàn khoan, ví dụ như công ty Elevation Resources ở Texas. Kể từ quý IV/2022, sản lượng của Elevation Resources tăng hơn 30% lên 10.000 thùng dầu/ngày. CEO Steven Pruett thuật lại: “Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể với một giàn khoan”.

Sản lượng dầu thô của Mỹ leo lên mức kỷ lục vào tháng 9/2023. Trung bình trong 10 tháng đầu năm 2023, Mỹ sản xuất được 12,9 triệu thùng dầu thô/ngày.

Giữa lúc đó, OPEC+ cố gắng thúc đẩy giá dầu bằng cách hạn chế sản lượng. Các cuộc tấn công gần đây trên Biển Đỏ khiến việc vận chuyển bị gián đoạn. Nếu không nhờ sản lượng gia tăng từ Mỹ, giá xăng dầu thế giới và của Mỹ đã cao hơn đáng kể.

Nhà ở

Khi lãi suất giảm mạnh vào năm 2020, nhu cầu nhà ở tăng vọt. Và khi lệnh phong tỏa chấm dứt, người trẻ tích cực tìm kiếm nơi ở rộng rãi hơn, kéo giá mua và chi phí thuê nhà lên cao.

Các nhà kinh tế cảnh báo nguồn cung nhà ở mới cần ít nhất vài năm để bắt kịp nhu cầu. Song, hoạt động xây dựng đã trì trệ kể từ cuộc suy thoái 2007 - 2009. Vật liệu và nhân công trong tình trạng thiếu hụt. Những nơi mọi người muốn sống thì không có đất trống.

Giữa lúc đó, một số nhà phát triển đã tăng tốc độ xây dựng để kiếm lời. Từ năm 2020 đến 2022, công ty phát triển và cho thuê nhà ở Camden đã khởi động 7 dự án với tổng số hơn 2.000 căn nhà và căn hộ.

Giống như hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành, Camden đối mặt với tình trạng thiếu hụt vật liệu, thiết bị và nhân công. Công ty thu hút người làm bằng cách trả công nhanh chóng. Trong mùa World Cup năm 2022, Camden đặt TV ở công trường, phục vụ đồ ăn vặt và bữa trưa cho công nhân.

Theo RealPage, Mỹ đã hoàn thành kỷ lục 439.000 đơn vị nhà ở trong năm 2023. Ông Jesse McConnico, cố vấn trong ngành bất động sản, ước tính khoảng 600.000 - 650.000 căn khác sẽ được hoàn thiện trong năm nay. Có lẽ nhờ vậy mà giá thuê những căn nhà mới đã ngừng tăng.

Chip

Thời đại dịch, tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn từng khiến giá của nhiều sản phẩm tăng vọt, đặc biệt là ô tô.

Khi COVID mới xuất hiện, các nhà sản xuất xe dự kiến doanh số sẽ giảm trong thời gian dài và hủy bỏ đơn đặt hàng chip. Các nhà cung ứng chip phân bổ lại công suất cho những sản phẩm khác như máy tính. Khi các hãng xe đặt đơn hàng mới trở lại, họ phải chờ lâu. Giá tăng cao vì số xe có sẵn ít hơn.

Đối mặt với nhu cầu lớn, các nhà sản xuất chip phải lựa chọn có nên tăng sản lượng không. Một mặt, họ có cơ hội tăng doanh số. Mặt khác, nhu cầu có thể sụp đổ và khiến công suất trở nên dư thừa. 

Analog Devices, công ty sản xuất 75.000 loại chip công nghiệp, ô tô và điện tử tại Mỹ, nằm trong nhóm những doanh nghiệp lựa chọn tăng sản lượng. Để giải quyết bài toán nhân lực, công ty cho nhân viên lựa chọn làm việc 12 giờ/ngày trong 3 hoặc 4 ngày mỗi tuần và nhận được sự hưởng ứng.

Để mau chóng có thiết bị chế tạo chip, Analog Devices thỏa thuận với các nhà sản xuất thiết bị để họ ưu tiên đơn hàng của nhau. Ông Vivek Jain, Giám đốc sản xuất và vận hành chuỗi cung ứng, ước tính năng lực sản xuất chip của Analog Devices hiện nay cao hơn 40% so với trước đại dịch.

Các nhà sản xuất ô tô hầu như không còn phải lo lắng về tình trạng thiếu hụt chip nữa. Nhờ vậy, tồn kho ô tô đang trên đà tăng và giá xe tháng 12/2023 đã giảm so với một năm trước, theo Cox Automotive.

Giang