|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ phá đỉnh liên tục, Warren Buffett vẫn vững tin ‘Cash is King’

19:26 | 03/05/2021
Chia sẻ
Warren Buffett liên tục ca ngợi doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ. Ấy vậy nhưng ông lại bán ròng cổ phiếu trong những quý gần đây khi thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ từ hố sâu đại dịch, đồng thời ôm khối tiền mặt khổng lồ như thể tuyên bố "Cash is King" (Tiền mặt là Vua).
Chứng khoán Mỹ phá đỉnh liên tục, Warren Buffett vẫn vững tin ‘Cash is King’ - Ảnh 1.

Warren Buffett tại đại hội cổ đông Berkshire Hathaway ngày 1/5/2021. (Ảnh: CNBC).

Warren Buffett phớt lờ lời khuyên của chính mình

Tỷ phú Warren Buffett - Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Berkshire Hathaway viết trong thư gửi cổ đông hồi tháng 2/2021: "Suốt lịch sử tồn tại 232 năm qua, nước Mỹ là nhà vô địch thế giới trong vai trò cái nôi giải phóng tiềm năng con người. Mặc dù từng phải trải qua những sự gián đoạn nghiêm trọng, bước tiến kinh tế của nước Mỹ vẫn thực sự đáng kinh ngạc".

Ông nói thêm: "Kết luận chắc nịch của chúng tôi là: Đừng bao giờ đặt cược vào sự đi xuống của nước Mỹ".

Trước đó một năm, vào ngày 24/2/2020 khi thị trường chứng khoán Mỹ đỏ lừa vì lo sợ COVID-19, Warren Buffett đã xuất hiện trên kênh CNBC và tuyên bố rằng thị trường giảm "là tốt cho chúng ta. Đa phần chúng ta là những người mua ròng cổ phiếu khi xét trong dài hạn. […] Thị trường giảm là cơ hội để mua được cổ phiếu với giá thấp hơn".

Những năm trước, ông cũng khuyên nhà đầu tư nên đợi đến khi giá cổ phiếu rẻ mới mua, tương tự như khi đợi những đợt giảm giá quần áo vậy.

Thế nhưng khi thị trường trải qua đợt lao dốc nhanh chưa từng có vào đầu năm 2020, Warren Buffett lại không làm theo lời khuyên của chính mình.

Tính từ đỉnh mọi thời đại ngày 19/2 đến đáy ngày 23/3/2020, chỉ số S&P 500 mất 34% và chìm sâu vào thị trường gấu. Đã có lần S&P 500 cắm đầu giảm 12% chỉ trong một phiên.

Thay vì tranh thủ cơ hội mua vào, Warren Buffett và tập đoàn Berkshire Hathaway mà ông điều hành lại liên tục bán ra. Đầu tiên là thoái sạch vốn khỏi 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ là American, Southwest, Delta và United Airlines. Tiếp đến là bán bớt loạt cổ phiếu ngân hàng như Wells Fargo, JPMorgan Chase, Goldman Sachs, …

Vào quý III năm ngoái khi Apple đang tăng giá chóng mặt và trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong lịch sử đạt vốn hóa 2.000 tỷ USD, Berkshire Hathaway cũng bán 36 triệu cổ phiếu Apple với trị giá khoảng 4 tỷ USD.

Chứng khoán Mỹ phá đỉnh liên tục, Warren Buffett vẫn vững tin ‘Cash is King’ - Ảnh 2.

Các cổ phiếu mà Warren Buffett quyết định bán ra sau đó đều tăng phi mã theo đà hồi phục của thị trường chung và nền kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát, vắc xin được triển khai trên diện rộng. Cả Warren Buffett và Phó Chủ tịch Charlie Munger đều thừa nhận rằng việc bán cổ phiếu Apple là một sai lầm lớn.

Tính chung trong cả năm ngoái, S&P 500 tăng 18% bất chấp cú lao dốc lịch sử đầu đại dịch, còn Berkshire Hathaway bán ròng 8,6 tỷ USD cổ phiếu – đánh dấu năm bán ròng đầu tiên kể từ 2016.

Từ đầu năm 2021 đến nay, S&P 500 đã tăng 11% và liên tục phá kỷ lục mới còn Berkshire thì tiếp tục bán ròng 3,9 tỷ USD trong quý I.

Khối tiền mặt không sinh lời

Theo Bloomberg, Warren Buffett cảm thấy vui vì nền kinh tế hồi phục nhanh chóng sau khi rơi xuống vực sâu đầu năm ngoái, nhưng chắc hẳn ông sẽ còn mừng rỡ hơn nếu tận dụng được cơ hội và đầu tư khối tiền mặt hơn 145 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán của Berkshire Hathaway.

Chứng khoán Mỹ phá đỉnh liên tục, Warren Buffett vẫn vững tin ‘Cash is King’ - Ảnh 2.

"Bây giờ nhìn lại, tôi phải nói là có những việc mà lẽ ra mình có thể làm tốt hơn" vì nhiều doanh nghiệp bật lên nhanh chóng tới mức đáng ngạc nhiên, Buffett nói. Những nhân tố tích cực tác động tới nền kinh tế bao gồm động thái nới lỏng tiền tệ mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các gói kích thích tài khóa nghìn tỷ USD của Quốc hội Mỹ.

"Đầu tư không dễ như vẻ bề ngoài của nó đâu", vị chủ tịch 90 tuổi nói với các cổ đông, đồng thời đó cũng là lời cảnh báo với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường đang mải mê mua bán thông qua ứng dụng giao dịch miễn phí kiểu Robinhood.

Phó Chủ tịch Charlie Munger thì trần tình rằng không nên kỳ vọng quá nhiều vào các nhà quản lý tài sản như ông vì một người không thể phán đoán chính xác tuyệt đối khi nào thị trường xuống đáy để giải ngân lượng tiền mặt khổng lồ tới 145 tỷ USD như của Berkshire.

Thị trường phá đỉnh liên tục trong khi Berkshire ôm tiền mặt đứng ngoài thị trường, hệ quả tất yếu là cổ phiếu Berkshire đã không còn duy trì được ưu thế trước chỉ số S&P 500. Xu thế này không chỉ diễn ra trong vài tháng hay vài năm mà là trong dài hạn hàng chục năm.

Theo MarketWatch, chênh lệch bình quân trượt 15 năm của tỷ suất lợi nhuận cổ phiếu Berkshire so với S&P 500 giảm từ 15,3 điểm % vào năm 1979 xuống còn một nửa vào năm đầu thiên niên kỷ mới. Tới hết năm 2020, chênh lệch này đã chuyển sang mức âm, tức là S&P 500 đã vượt qua Berkshire trong giai đoạn 15 năm trước đó.

Chứng khoán Mỹ phá đỉnh liên tục, Warren Buffett vẫn vững tin ‘Cash is King’ - Ảnh 3.

Đức Quyền - Song Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.