|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tục, S&P 500 thủng mốc hỗ trợ quan trọng

07:23 | 31/08/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp đà đi xuống trong phiên 30/8, làm xói mòn thêm thành quả hồi phục trong mùa hè năm nay. Fed và các ngân hàng trung ương khác vẫn tiếp tục cam kết thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, bất chấp thiệt hại về kinh tế.

S&P 500 cắt xuống dưới đường bình quân trượt MA 50.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,1% còn 3.986 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7, chỉ số này giảm xuống dưới ngưỡng 4.000 và thấp hơn đường bình quân trượt 50 phiên (MA 50).

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 1%, tương đương 308 điểm, và kết phiên ở gần 31.791 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite rớt 1,1% và đóng cửa ở 11.883 điểm.

Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của các chỉ số chứng khoán Mỹ. Thứ Sáu tuần trước (26/8), S&P 500 và Dow Jones mất hơn 3% sau khi Chủ tịch Cục Dự trự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố cứng rắn về quyết tâm chống lạm phát cho dù nền kinh tế có thể phải chịu “đau đớn”. Trong hai phiên đầu tuần này, thị trường tiếp tục tụt dốc.

So với đáy ngắn hạn thiết lập hồi giữa tháng 6, S&P 500 hiện nay chỉ cao hơn 8,7%, bằng một nửa so với mức tăng 17,4% ghi nhận vào cuối phiên 16/8.

Tương tự, Dow Jones và Nasdaq cũng đánh mất quá nửa đà hồi phục kể từ đáy trong tháng 6, hiện lần lượt cao hơn khoảng 6% và 11%.

Dow Jones giảm ba phiên liên tiếp, mất tổng cộng 1.500 điểm.

Hôm 30/8, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams, tái khẳng định lập trường “diều hâu” để kìm hãm đà tăng của giá cả: “Tôi nghĩ nhu cầu hiện nay vượt xa nguồn cung, chúng ta cần phải đưa lãi suất thực lên mức dương. Chúng ta cần có chính sách mang tính hạn chế để kìm hãm nhu cầu, và chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu này”.

“Chúng ta vẫn còn cách khá xa [chính sách tiền tệ thắt chặt để hạn chế nhu cầu]”, ông John Williams nói với tờ Wall Street Journal. Ông đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan có quyền quyết định lãi suất của Fed.

Phát biểu của ông Williams cho thấy Fed có khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất và giảm cung tiền cho đến khi đạt được mục tiêu về lạm phát.

Lãi suất quỹ liên bang của Fed hiện nay nằm trong khoảng 2,25 - 2,5%, trong khi tỷ lệ lạm phát tháng 7 tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 8,5%. Lãi suất thực dương là khi lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát

Ông Madis Muller, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Estonia và thành viên ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có quan điểm “diều hâu” tương tự như ông Williams. Hôm 30/8, ông Muller cho rằng ECB nên xem xét nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 do lạm phát đang cao bất thường.

Lợi suất trái phiếu ngắn hạn tiếp đà đi lên khi nhà đầu tư tin chắc rằng Fed sẽ nâng mạnh lãi suất. Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm ghi nhận mức lợi suất cao nhất trong gần 15 năm.

CNBC dẫn lời bà Stephanie Lang, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Homrich Berg, nhận định: “Các thị trường đang trong trạng thái rất mong manh, hôm thứ Sáu tuần trước (26/8) Fed đã thể hiện rõ ràng rằng chính sách tiền tệ sẽ không sớm đảo chiều và lạm phát là ưu tiên số một của Fed. Thông điệp này sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường. Biến động từ nay đến cuối năm sẽ rất cao”.

 (Ảnh: Homrich Berg, Đồ họa: Song Ngọc)

Đà giảm lan tỏa rộng khắp trong phiên 30/8. Cổ phiếu tài chính là nhóm giảm ít nhất khi mất 0,42%. Nhóm năng lượng lao dốc mạnh nhất khi giá dầu điều chỉnh. Cụ thể, giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent giao tháng 11 sụt 4,3% còn 98,5 USD/thùng, giá dầu thô WTI tại Mỹ lao dốc 5,1% còn 92 USD/thùng. 

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều lao dốc trong phiên 30/8.

Không chỉ giá dầu thô mà cả giá xăng cũng tụt dốc. Trong phiên 30/8, giá hợp đồng tương lai RBOB sụt 6,2% xuống còn 2,69 USD/gallon, mức thấp nhất kể từ ngày 18/2 năm nay khi xung đột Nga – Ukraine chưa nổ ra.

Giá dầu thô Brent dao động quanh ngưỡng 100 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích tại ngân hàng Thụy Sỹ UBS, xác suất nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới đây là 60%, tăng đáng kể so với mức 40% hồi tháng 6.

UBS xem xét ba nhân tố chính: các dữ liệu vĩ mô quan trọng, đường cong lợi suất trái phiếu Kho bạc ở nhiều kỳ hạn khác nhau, và dữ liệu tín dụng ví dụ như nợ xấu và phản hồi từ khảo sát của Fed. Tín hiệu từ số liệu vĩ mô và đường cong lợi suất đều rất tiêu cực trong khi số liệu tín dụng tỏ ra khả quan hơn.

 

 

Song Ngọc

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.