|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống sau tuyên bố của Chủ tịch Fed, Dow Jones mất gần 200 điểm

07:16 | 30/08/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 29/8 sa sút khi nhà đầu tư tiếp tục bán ra giữa những lo ngại về lãi suất tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chứng khoán Mỹ xóa sạch thành quả tăng điểm của tháng 8.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 184 điểm, tương đương 0,57%, và kết phiên ở 32.099 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite giảm sâu hơn khi mất lần lượt 0,67% và 1,02%.

Trong phiên, Dow Jones có lúc sụt hơn 300 điểm, sau đó chuyển sang sắc xanh nhưng cuối cùng vẫn đóng cửa dưới tham chiếu.

Theo CNBC, cổ phiếu công nghệ là nhóm lao dốc mạnh nhất chỉ số S&P 500. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu năng lượng và tiện ích công cộng tăng vượt trội, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Giá dầu thô bật tăng hơn 4% đã hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu dầu khí.

3M và Salesforce là những cổ phiếu giảm sâu nhất trong số 30 thành viên của Dow Jones. Walmart và Chevron đóng vai trò nâng đỡ chính.

9/11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ.

Các chỉ số cổ phiếu đi xuống trong phiên đầu tuần khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ bật tăng lên đỉnh 15 năm. Nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao.

Thứ Sáu tuần trước (26/8) tại hội nghị Jackson Hole, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố ưu tiên mục tiêu ghìm cương lạm phát hơn so với tăng trưởng kinh tế.

Bài phát biểu của ông Powell cũng dập tắt hy vọng về kịch bản Fed sẽ sớm dừng tăng hoặc thậm chí bắt đầu hạ lãi suất trong năm sau. Chủ tịch Fed cho rằng việc nới lỏng chính sách quá sớm là sai lầm đã được lịch sử chỉ ra.

Lợi suất kỳ hạn 2 năm leo lên mức cao nhất kể từ năm 2007.

Dow Jones rớt hơn 1.000 điểm sau phát biểu mang tính “diều hâu” của Chủ tịch Fed hôm 26/8. S&P 500 và Nasdaq cũng mất tương ứng 3,4% và 3,9%. Toàn bộ thành quả tăng điểm từ đầu tháng 8 đã bị xóa sạch.

CNBC dẫn lời ông Adam Crisafulli, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Vital Knowledge, nhận định: “Đà bán tháo ồ ạt của thứ Sáu tuần trước đã hạ nhiệt nhưng nhu cầu mua thực là không nhiều. Kể cả những người đầu cơ giá lên cũng muốn đi qua những sự kiện vĩ mô lớn của tuần này như PMI của Trung Quốc và CPI của Eurozone ngày 31/8 và báo cáo việc làm của Mỹ ngày 2/9, sau đó mới quay lại mua”.

Nasdaq giảm 3,9% trong phiên cuối tuần trước và tiếp tục mất 1,1% trong phiên đầu tuần 29/8.

6 lý nho nhà đầu tư cổ phiếu nên thận trọng

Trong bài phân tích ngày 29/8, Giám đốc chiến lược đầu tư của công ty nghiên cứu Wolfe Research, ông Chris Senyek, đã chỉ ra 6 lý do các nhà đầu tư cần thận trọng trước khi xuống tiền cho cổ phiếu trong mùa thu 2022:

Thứ nhất, Fed nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất lên khoảng 4,5% để đưa lạm phát quay về ngưỡng mục tiêu dài hạn 2% “một cách bền vững”.

Thứ hai, lãi suất thực (sau khi đã trừ tỷ lệ lạm phát) sẽ tiếp tục gây sức ép đối với hệ số P/E mà nhà đầu tư trả cho cổ phiếu.

Thứ ba, tác động của chương trình thắt chặt định lượng (QT) là không rõ ràng nhưng đáng lo ngại. Fed đang giảm quy mô bảng cân đối kế toán khoảng 95 tỷ USD mỗi tháng để hút tiền về.

Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed giảm so với mức đỉnh hồi tháng 4.

Thứ tư, kết quả khảo sát nhà quản trị mua hàng do Viện quản lý nguồn cung (ISM) công bố ngày 1/9 tới đây nhiều khả năng sẽ “cho thấy nhiều dấu hiệu kinh tế suy yếu”.

Thứ năm, các cổ phiếu thuận chu kỳ sớm như bán dẫn, xây dựng, xe hơi và ngân hàng đã tăng vượt trội so với số đơn hàng đặt trước của ISM và “đã đến lúc điều chỉnh”.

Thứ sáu, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ cảm thấy kém giàu có hơn trong những tháng tới do thị trường chứng khoán sa sút và giá nhà tăng chậm lại, từ đó dẫn tới chi tiêu ít đi.

Đức Quyền

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.