Chứng khoán Mỹ đỏ lửa sau cảnh báo ‘cực kỳ tồi tệ’ của tỷ phú Elon Musk
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones rớt 348,58 điểm, tương đương 1,05%, và kết phiên ở 32.900 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm sâu hơn khi mất lần lượt 1,6% và 2,5%.
Cả ba chỉ số đều đi xuống so với đầu tuần. S&P 500 sụt 1,2% trong tuần này, Nasdaq và Dow Jones cùng giảm gần 1%. Thống kê dưới đây cho thấy chứng khoán Mỹ giảm ba phiên và chỉ xanh một phiên trong tuần vừa qua. Thị trường đóng cửa nghỉ lễ vào ngày 30/5 nên tuần này chỉ có 4 phiên giao dịch.
Theo CNBC, nhà đầu tư ngày 3/6 tập trung đánh giá báo cáo thị trường lao động tháng 5 mới được công bố. Cụ thể, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 390.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 5, cao hơn mức 328.000 và 350.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones và Reuters dự báo.
Tiền lương trung bình hàng giờ tăng 0,3%, thấp hơn mức 0,4% mà các chuyên gia kỳ vọng và tương đương với tốc độ đi lên của tháng 4.
Ông Mark Hackett, Giám đốc nghiên cứu đầu tư tại tập đoàn tài chính Nationwide, chia sẻ với CNBC: “Tin tốt cũng là tin xấu. Báo cáo việc làm lần này nhắc nhở chúng ta rằng Fed vẫn là nhân tố bất định, ít nhất là đối với tâm lý nhà đầu tư”.
Ông Tom Essaye, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Sevens Report, đánh giá: “Số liệu việc làm mạnh mẽ cho thấy nhiều khả năng Fed sẽ không tính đến chuyện tạm ngừng nâng lãi suất sau các đợt tăng vào tháng 6 và 7”.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có hai mục tiêu là ổn định giá cả và toàn dụng việc làm. Hiện nay, Fed đang tập trung cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát bằng cách nâng lãi suất. Nếu thị trường lao động có dấu hiệu sa sút như thất nghiệp tăng cao, có thể Fed sẽ nhẹ tay hơn trong chiến dịch thắt chặt tiền tệ. Ngược lại, nếu thị trường việc làm vẫn hoạt động tốt thì Fed sẽ không có lý do gì để tạm nghỉ.
Nhà đầu tư bán cổ phiếu giữa lo ngại về khả năng Fed sẽ nâng mạnh lãi suất. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm bật tăng sau khi báo cáo việc làm được công bố, vượt lên trên ngưỡng 2,9%.
Bà Loretta Mester, Chủ tịch Chi nhánh Cleveland của Fed, phát biểu trên kênh CNBC ngày 3/6 rằng bà vẫn chưa thấy đủ bằng chứng cho việc lạm phát đã đạt đỉnh.
“Tôi không muốn tuyên bố thắng lợi trong cuộc chiến với lạm phát trước khi tôi nhìn thấy những bằng chứng thực sự thuyết phục rằng những hành động của chúng tôi đang bắt đầu đưa tổng cầu xuống mức cân bằng hơn với tổng cung”, bà Mester nói.
Nhà đầu tư lo rằng lãi suất quá cao có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng và thậm chí đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Lợi suất cao cũng khiến dòng tiền tương lai bị chiết khấu mạnh hơn và làm cho cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đồng loạt đi xuống trong phiên cuối tuần. Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta (sở hữu Facebook) trượt dốc lần lượt 2,6% và 4,1%. Apple cũng mất 3,9% sau khi các nhà phân tích tại Morgan Stanley đưa ra nhận định kém khả quan.
Các cổ phiếu tập đoàn sản xuất chip như Micron Technology và Nvidia cũng đi xuống, rớt lần lượt 7,2% và 4,5%. Thống kê dưới đây cho thấy công nghệ là một trong hai nhóm giảm mạnh nhất S&P 500 trong phiên 3/6.
Cổ phiếu Tesla cắm đầu giảm 9,2% sau khi Reuters đưa tin CEO Elon Musk đã gửi thư tới các quản lý cấp cao của tập đoàn và yêu cầu dừng tuyển dụng lao động trên toàn cầu, đồng thời cắt giảm khoảng 10% lượng nhân viên của Tesla.
Vị CEO 50 tuổi này cũng nói rằng ông có “cảm giác cực kỳ tồi tệ” về nền kinh tế Mỹ, nhưng không giải thích chi tiết quan điểm của mình. Bảng thống kê bên dưới cho thấy Elon Musk hiện nay là người giàu nhất hành tinh, xếp ngay trên nhiều nhân vật đình đám khác như Jeff Bezos, Warren Buffett hay Bill Gates, …
Elon Musk đang có ý định mua lại mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD. Hiện chưa rõ những thông tin trong bức thư nói trên sẽ tác động thế nào tới thương vụ Twitter.
Elon Musk không phải là CEO lớn đầu tiên đưa ra cảnh báo về tương lai nền kinh tế Mỹ. Hôm 1/6, tỷ phú Jamie Dimon – Chủ tịch kiêm CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase – cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine và chiến dịch nâng lãi suất của Fed sẽ gây ra một “trận cuồng phong” kinh tế.
- TIN LIÊN QUAN
-
CEO JPMorgan: Hãy chuẩn bị cho ‘cơn bão kinh tế’ do Fed và chiến sự Nga - Ukraine gây ra 02/06/2022 - 08:27
Hôm 2/6, Microsoft hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận trong quý IV của năm tài khóa (từ tháng 4 đến tháng 6) vì tỷ giá hối đoái biến động không thuận lợi.
Cuối tháng 5, tỷ phú Bill Ackman - nhà quản lý quỹ đầu cơ Pershing Square – dự báo rằng Fed sẽ cần phải nâng lãi suất tới mức gây ra suy thoái kinh tế và làm thị trường chứng khoán sụp đổ thì lạm phát mới có thể được kiểm soát.
Các thị trường chứng khoán châu Âu đóng cửa phiên 3/6 trong sắc đỏ, tương tự như thị trường Mỹ. Ngược lại, một số thị trường châu Á diễn biến khả quan như thống kê dưới đây.