Chứng khoán Mỹ đỏ lửa ba phiên liên tiếp, cổ phiếu công nghệ lao dốc không phanh
Theo CNBC, chỉ số Nasdaq Composite sụt 4,1% và kết phiên ở 10.848 điểm, đánh mất mốc 11.000 điểm mà chỉ số này đạt được một tháng trước. Sau ba phiên sa sút liên tiếp, Nasdaq đã giảm tổng cộng 10% và rơi vào vùng điều chỉnh.
(Theo qui ước của Phố Wall, cổ phiếu hoặc chỉ số giảm trên 10% so với đỉnh thì gọi lại rơi vào vùng điều chỉnh, giảm trên 20% so với đỉnh thì gọi là rơi vào thị trường gấu.)
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 632 điểm, tương đương 2,3%, và đóng cửa ở 27.501 điểm, đánh mất mốc 28.000 mới giành lại được hồi cuối tháng 8.
Chỉ số S&P 500 giảm 2,3% xuống còn 3.332 điểm. Trong ba phiên gần đây, chỉ số đại diện thị trường này đã mất gần 7%, ghi nhận chuỗi ba phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 6/2020.
Cổ phiếu Tesla bay hơi 21,1% sau khi tổ chức cung cấp chỉ số S&P Dow Jones Indices cuối tuần trước quyết định không thêm cổ phiếu xe điện này vào chỉ số S&P 500.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã gom mạnh Tesla với hi vọng cổ phiếu này sẽ được thêm vào S&P 500, tức là sẽ được các quĩ đầu tư thụ động với qui mô hàng nghìn tỉ USD đổ tiền vào.
Tesla đáp ứng các tiêu chuẩn định lượng về vốn hóa cũng như lợi nhuận, tuy nhiên Ủy ban chỉ số của S&P Dow Jones Indices có quyền quyết định cuối cùng. Có lẽ Ủy ban này nhận thấy cổ phiếu Tesla tăng quá nhanh và có tính đầu cơ lớn. Trước phiên lao dốc 8/9, Tesla tăng tới 400% so với đầu năm 2020 và tăng 1.000% so với một năm trước đó.
Apple sụt 6,7%, dẫn đầu đà lao dốc của các cổ phiếu công nghệ. Trong ba phiên vừa qua, cổ phiếu nhà sản xuất iPhone đã giảm tổng cộng 14%. CNBC dẫn số liệu của Bespoke Investment Group cho biết đây là chuỗi ba phiên giảm sâu nhất của Apple kể từ tháng 10/2008.
Các cổ phiếu hot khác trên sàn Nasdaq cũng đang chìm trong sắc đỏ. Facebook và Amazon cùng sụt trên 4%. Microsoft giảm 6,7%, Netflix mất 1,8%; Alphabet (công ty mẹ của Google) và Zoom giảm lần lượt 3,6% và 5,1%.
Nhóm công nghệ của chỉ số S&P 500 mất 4,6% trong phiên 8/9. So với đỉnh lịch sử thiết lập ngày 2/9, nhóm này đã giảm hơn 11%.
Ông Bruce Bittles, Giám đốc chiến lược tại ngân hàng đầu tư Baird nhận định: "Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn đang được định giá quá cao, vượt xa mọi mốc tham chiếu lịch sử".
Cổ phiếu SoftBank giảm 7% trong phiên giao dịch đầu tuần ở Nhật Bản sau khi tờ Financial Times đưa tin SoftBank chính là "cá voi sàn Nasdaq" khi liều lĩnh mua số lượng quyền chọn cổ phiếu công nghệ khổng lồ có giá trị lên tới hàng tỉ USD.
Các cổ phiếu ngành bán dẫn đồng loạt đi xuống trong phiên 8/9 giữa bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trở lại. Nvidia và Micron giảm lần lượt 5,6% và 3,2%, Applied Materials sụt 8,7%; Advanced Micro Devices giảm 4%. Chứng chỉ quĩ ngành bán dẫn VanEck Vectors Semiconductor ETF (SMH) giảm 4,4%.
Ngày 7/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại kêu gọi doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc và đe dọa cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế với quốc gia tỉ dân này.
Chính quyền của ông Trump cũng liên tục gây sức ép lên các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt và vận động các quốc gia khác cấm cửa công ty Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc Mỹ có hành vi "bắt nạt" khi công bố một sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu ngày 8/9.
Trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần trước, cổ phiếu công nghệ Mỹ đã bị bán tháo, kéo thị trường chung đi xuống. Tính chung cả tuần trước, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite mất lần lượt 1,8% và 3,7%; Dow Jones sụt 2,3%. Thứ Hai tuần này (7/9), thị trường chứng khoán Mỹ ngừng giao dịch do nghỉ Lễ Lao động.
Đà phục hồi và tăng trưởng của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong những tháng qua chủ yếu đến từ sự đi lên mạnh mẽ của nhóm công nghệ vốn hóa lớn. Nhiều chuyên gia Phố Wall lo ngại định giá cổ phiếu công nghệ đang cao một cách thiếu bền vững. Sau khi sụt giảm trong tuần trước, chỉ số nặng về công nghệ Nasdaq Composit vẫn cao hơn 70% so với đáy hồi tháng 3/2020.