Chứng khoán Mỹ 15/8: Cổ phiếu công nghệ đỏ lửa, các chỉ số đồng loạt giảm
Chứng khoán Mỹ 14/8: Tình hình Thổ Nhĩ Kỳ hạ nhiệt, thị trường đồng loạt đi lên |
Chỉ số Dow Jones giảm 137,51 điểm còn 25.162,41 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,8% và đóng cửa ở 2.818,37 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng giảm 1,2% xuống 7.774,12 điểm.
Đã có lúc hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq cắt xuống dưới đường trung bình trượt 50 ngày.
Về cuối phiên, các chỉ số diễn biến tích cực hơn sau khi hãng tin CNBC thông báo Nhà Trắng đang chuẩn bị nới rộng quy định ưu đãi các sản phẩm nội địa của Mỹ trong các dự án của chính phủ.
Diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ ngày 15/8. Nguồn: Bloomberg. |
Cổ phiếu công nghệ, nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số S&P 500, giảm hơn 1% do kết quả kinh doanh đáng thất vọng của công ty công nghệ khổng lồ Tencent của Trung Quốc.
Cổ phiếu của Tencent niêm yết tại Mỹ mất 6,7% giá trị sau khi hãng này công bố tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm nhất kể từ 2015. Cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Facebook, Apple và Alphabet đều sụt giảm. Các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc khác như Alibaba và JD.com cũng đi xuống.
Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực một phần là do tình hình tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng USD tiếp tục tăng giá, tình trạng bán tháo kim loại đồng và sự suy giảm đồng loạt của các thị trường chứng khoán nước ngoài.
Hôm 15/8, đại diện một cơ quan quản lý Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đang hạn chế các giao dịch hoán đổi tiền tệ của các ngân hàng. Nhiều khả năng đây là động thái nhằm hạn chế tình trạng bán khống đồng lira vốn đã mất giá rất mạnh thời gian gần đây và xuống tới mức thấp lịch sử thứ 2 tuần này.
Tháng trước lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 16%, gấp hơn 3 lần mức lạm phát mục tiêu 5% của ngân hàng trung ương. Các nhà đầu tư quốc tế đang lo ngại những vấn đề kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng xấu tới kinh tế toàn thế giới.
Ông Pedro Martins, chiến lược gia tại J.P. Morgan nhận định: “Nhóm phân tích vĩ mô của chúng tôi cho rằng một phản ứng chính sách hiệu quả phải bao gồm các cấu phần: tăng lãi suất chính sách trong khoảng 5%-10%, cam kết tài khóa để hỗ trợ và tái cấp vốn các ngân hàng và giải quyết nợ xấu, trợ giúp tài khóa đối với những khu vực gặp khó khăn nhiều nhất và đi kèm với đó là một khung chính sách tổng thể ghi nhận sự cần thiết phải giảm tỷ lệ đòn bẩy nợ và thừa nhận tình trạng suy thoái”.
Tại châu Âu, chỉ số Dax của Đức giảm 1,6% trong khi chỉ số CAC của Pháp mất 1,8%.
Trong một diễn biến khác, đồng USD giao dịch ở mức cao nhất trong hơn một năm qua, đẩy giá trị euro, nhân dân tệ và các đồng tiền lớn khác xuống thấp.
Đồng USD trỗi dậy cũng gây áp lực giảm giá lên các kim loại công nghiệp như đồng. Hôm 15/8, giá kim loại này đã xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Đồng thường được coi là chỉ số sớm (leading indicator) về xu hướng kinh tế vĩ mô do kim loại này được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.