Peter Lynch tiết lộ 10 sai lầm tai hại nhà đầu tư chứng khoán nào cũng mắc phải
Warren Buffett 87 tuổi vẫn không ngừng cải tiến phương pháp đầu tư | |
[Infographic: Những thương vụ 'để đời' của Warren Buffett] Phần 2: Thất bại đau đớn |
1.“Giá đã giảm tới mức này rồi thì không thể xuống thêm được nữa”
Đây là suy nghĩ mà rất nhiều nhà đầu tư có trong đầu khi mới đầu tư chứng khoán. Ngay cả Peter Lynch cũng vậy. Khi mới quản lý quỹ Fidelity Investments, ông quyết định mua 5 triệu cổ phiếu của Kaiser Industries – một tập đoàn đa ngành với nhiều sản phẩm bao gồm bất động sản, nhôm, đóng tàu, truyền hình, … với giá 11 USD/cp. Trước đó không lâu, cổ phiếu này còn được giao dịch với giá 25 USD/cp.
Lynch tin chắc rằng Kaiser không thể giảm xuống dưới 10 USD/cp. Khi giá xuống còn 8 USD/cp, Lynch thậm chí gọi cho mẹ mình, khuyến nghị bà nên “xúc mạnh” cổ phiếu Kaiser vì ông cho rằng đây là cơ hội ngàn vàng không nên bỏ lỡ. May mà mẹ của Peter Lynch không nghe theo vì sau đó giá tiếp tục giảm chỉ 4 USD/cp vào năm 1973!
Về sau, đúng là cổ phiếu Kaiser có hồi phục ấn tượng và tăng lên mức 30 USD/cp giúp quỹ của Peter Lynch thắng lớn, nhưng trải nghiệm “kinh dị” này đã khiến ông bỏ hẳn suy nghĩ sai lầm “Thấp lắm rồi, không thấp hơn được nữa”.
Peter Lynch - Giám đốc quỹ đầu tư Fidelity Magellan Fund từ 1977-1990. |
2. “Bắt đáy cổ phiếu thật dễ”
“Mua một cổ phiếu đang xuống giá nhanh cũng như là bắt một con dao đang rơi, thường gây ra những bất ngờ đau đớn. Tốt nhất là nên đợi cho con dao rơi xuống đất và rung lên vài nhịp rồi mới thò tay nhặt”.
Peter Lynch cũng ưa thích sử dụng phân tích cơ bản để quyết định “xuống tiền”, chẳng hạn khi bảng cân đối kế toán cho thấy giá trị tiền mặt/cp là 11 USD trong khi giá thị trường/cp chỉ là 14 USD. Tuy vậy, không có gì đảm bảo rằng nhà đầu tư sẽ bắt đúng đáy với phương pháp này.
Thông thường cổ phiếu sẽ rung lắc dữ dỗi trong một khoảng thời gian trước khi bước vào xu thế tăng dài hạn.
3. “Giá đã lên cao thế này rồi thì làm sao tăng tiếp được nữa”
Điểm mấu chốt ở đây là “không có giới hạn tùy ý” nào đối với giá cổ phiếu. Nếu doanh nghiệp tiếp tục chiến lược phát triển đúng đắn, lợi nhuận tăng trưởng tốt và các yếu tố cơ bản ổn định, giá cổ phiếu có thể tăng mãi mãi. Đối với Peter Lynch, cổ phiếu của Philip Morris và Subaru là những ví dụ điển hình.
Có lúc cổ phiếu Philips Morriss chỉ có giá 75 cent/cp và khi giá tăng lên, nhiều nhà đầu tư đã vội vã chốt lời với suy nghĩ “Làm sao giá có thể lên tiếp được nữa?” Thực tế là sau 30 năm, cổ phiếu này đã tăng tới 166 lần về giá trị lên mức 124,5 USD/cp, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng kép 19,6%/năm; và đó là còn chưa kể khối cổ tức trị giá 23.000 USD. Sang năm thứ 31, giá cổ phiếu này đạt 180 USD/cp và được chia tách theo tỷ lệ 4:1.
4. “Giá chỉ có 3 USD/cp, mình có gì để mất đâu?”
Để giảm thiểu thua lỗ, một số nhà đầu tư tìm mua những cổ phiếu có giá thấp. Peter Lynch không đồng ý, ông cho rằng “Sau 20 năm trong ngành đầu tư, tôi nhận ra rằng cho dù tôi mua một cổ phiếu với giá ban đầu 50 USD/cp hay 1 USD/cp, khi giá giảm về 0 tôi cũng đều trắng tay”. Ông nói thêm “Điểm quan trọng ở đây là một cổ phiếu “lởm” giá thấp và một cổ phiếu “lởm” giá cao đều nguy hiểm như nhau khi giá đi xuống”.
5. “Kiểu gì công ty cũng trở lại thời vàng son, kiểu gì giá cũng hồi”
Vô vàn công ty lâm vào cảnh phá sản, giải thể, chưa kể những công ty còn hoạt động nhưng không thể lấy lại ánh hào quang đã đánh mất xưa kia, hay những công ty bị thâu tóm với giá rẻ mạt dưới rất sâu giá trị thực.
6. “Khi giá hồi lên 10 USD/cp tôi sẽ bán”
Ở đây huyền thoại đầu tư Peter Lynch cho rằng những cổ phiếu đang xuống giá hầu như không bao giờ quay lại được mức mà nhà đầu tư muốn bán. Với tâm lý đợi hồi mới bán, nhà đầu tư không chỉ bỏ lỡ cơ hội mà còn vô tình để vốn của mình chôn chân một chỗ trong khi vốn đó có thể hoạt động kiếm lợi với những khoản đầu tư khác.
Để đối phó với tâm lý này, Lynch đưa ra một phép thử rất hữu ích để quyết định xem có nên ôm cổ phiếu mất giá và đợi hồi để bán hay không: “Tôi thường tự nhủ rằng, nếu tôi không tin tưởng vào doanh nghiệp và cổ phiếu tới mức sẵn sàng mua thêm thì tôi phải bán ngay”.
7. “Việc gì phải lo, cổ phiếu phòng thủ không biến động nhiều”.
Theo Lynch, nhiều thế hệ nhà đầu tư mua cổ phiếu hàng tiêu dùng tiện ích với niềm tin rằng đây là những cổ phiếu an toàn và không cần chú ý nhiều. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy, những cổ phiếu này cũng biến động lên xuống thất thường chẳng kém gì những cổ phiếu khác. “Doanh nghiệp luôn biến động và triển vọng luôn thay đổi. Đơn giản là không có cổ phiếu nào để nhà đầu tư có thể sở hữu mà không cần chú ý tới”.
Cuốn sách về đầu tư do Peter Lynch viết. |
8. “Sao lâu vậy rồi mà không có tiến triển gì?”
Lynch đúc rút ra chân lý: “Khi các yếu tố cơ bản khả quan, người nào kiên nhẫn hơn sẽ được hái quả ngọt”. Khi quản lý quỹ Fidelity Magellan Fund, Lynch mua cổ phiếu hãng dược phẩm Merck – một cổ phiếu với căn bản tốt và do vậy ông sẵn sàng chờ đợi. Thông thường, những cổ phiếu này sẽ “chạy” sau khoảng 3 hoặc 4 năm bất động nhưng với Merck thì thời gian này thậm chí còn lâu hơn. Tuy vậy, sự kiên nhẫn của Lynch đã giúp ông đạt được suất sinh lời hơn 29%/năm trong thời gian ở quỹ Fidelity Magellan Fund.
9. “Tiếc quá, không mua cổ phiếu này nên mất bao nhiêu tiền”
Đa phần nhà đầu tư đều có lần nuối tiếc vì đã không mua một cổ phiếu nào đó mà sau đó cổ phiếu này tăng bằng lần. Tuy vậy, Lynch cảnh báo nhà đầu tư: “Coi lợi nhuận của người khác là thua lỗ của mình không phải là một thái độ đúng đắn trong đầu tư chứng khoán. Thái độ này chỉ dẫn tới sự điên loạn cùng cực”.
Tâm lý này cũng khiến nhà đầu tư chơi trò “mua đuổi” và nhiều phen vừa lỗ thật trên tài khoản vừa lỗ trong ảo trong suy nghĩ.
10. “Giá cổ phiếu tăng sau khi tôi mua nghĩa là tôi đã đúng, hoặc giá giảm sau khi tôi mua nghĩa là tôi đã sai”
Đừng nhầm lẫn giá với triển vọng tương lai. Ý Lynch muốn nói tới những nhà đầu tư nghĩ rằng mình có một “siêu cổ phiếu” khi giá cp đó tăng lên chút đỉnh; nhưng trừ khi họ là những nhà đầu cơ lướt sóng, những biến động tăng giảm này “hoàn toàn không có ý nghĩa gì”.
“Giá một cổ phiếu tăng hay giảm chỉ có nghĩa rằng một ai đó sẵn sàng trả giá cao hơn hoặc thấp hơn cho cùng một món hàng, vậy thôi”.