Chủ tịch VNDirect: Tiềm năng của năng lượng tái tạo rất lớn, định giá khoảng 2,2 triệu đồng/MWh
Tại tọa đàm “Cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng”, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect đánh giá tiềm năng của thị trường điện Việt Nam rất lớn, các nhà đầu tư sẵn sàng định giá các nhà máy điện, kể cả trong điều kiện EVN khó khăn trong các chính sách và chiến lược mua lại.
“Định giá của các nhà máy điện hiện nay khoảng 2,2 triệu đồng/MWh để thấy tiềm năng của ngành điện Việt Nam và những cơ hội trong của ngành điện với thị trường vốn quốc tế là điều được quan tâm.
Không phải ngành nào cũng có khả năng huy động vốn quốc tế, nhiều nước sẵn sàng cấp tín dụng không cần bảo lãnh để thấy tiềm năng của ngành năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hướng đến chống biến đổi khí hậu”, bà Hương nói.
Theo phân tích của VNDirect, kịch bản cơ sở của dự thảo quy hoạch điện VIII ước tính tốc độ tăng trưởng kép tiêu thụ điện đạt khoảng 8,9% trong giai đoạn 2021-2030, thậm chí lên tới 9,5% cho kịch bản phụ tải cao.
Công suất điện gió sẽ tăng trưởng kép 16% trong giai đoạn 2022-2045, chiếm tỷ trọng khoảng 13% trong tổng công suất cả nước vào năm 2030 và 30% vào năm 2045, cao hơn mức 23% trong dự thảo ban đầu.
Công suất điện mặt trời (tính cả điện mặt trời mái nhà) dự kiến tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2022-2045, chiếm tỷ trọng khoảng 11% trong tổng công suất cả nước vào năm 2030 và 23% vào năm 2045, cao hơn mức 21% so với dự thảo hồi tháng 3/2021.
8 tháng đầu năm nay, sản lượng điện huy động từ năng lượng tái tạo tăng 23%, cao hơn tăng trưởng sản lượng cả ngành là 5%. VNDirect nhận định điện gió đang là ngành thu hút các nhà đầu tư và nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi năng lượng ngày càng lớn.
Còn theo quan điểm của ông Đinh Quang Tri, Giám đốc Công ty đầu tư và kinh doanh điện năng Việt Nam, Nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hiện Việt Nam chỉ còn tiềm năng ở mảng năng lượng tái tạo, bởi Chính phủ đã yêu cầu hạn chế điện than, còn điện khí thì không dễ để làm.
Ông Tri phân tích thực tế điện khí có nằm trong quy hoạch điện nhưng tính khả thi không cao vì nguồn cung khí LNG khan hiếm khi châu Âu khủng hoảng năng lượng, giá khí tăng cao. Trường hợp, Việt Nam nhập được nguyên liệu nhưng đưa vào sản xuất, giá thành cũng sẽ cao gấp nhiều lần giá điện mặt trời.
Do vậy, ông Tri cho rằng ngành điện chỉ có thể tập trung vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên nhược điểm của điện gió, điện mặt trời là không ổn định, lúc nắng gió ít sẽ không phát điện được, trong khi nền kinh tế và người tiêu dùng cần một giải pháp cung cấp điện ổn định.
“Thời gian vừa qua, điện gió, điện mặt trời phát triển khập khiễng do quy hoạch 10 năm nhưng các doanh nghiệp chỉ làm trong 1 năm.
Lúc năng lượng nắng gió nhiều thì tất cả cùng phát và bám vào đường dây 110 kV, 220 kV, hay thậm chí 500 kV của Trung Nam Group cũng không đủ để tải”, ông Tri nói.
Theo ông Tri, để giải bài toán này phải dùng công nghệ, doanh nghiệp của ông đang nghiên cứu, báo cáo trong dự thảo mới nhất của Bộ Công Thương về việc vận hành thủy điện tích năng và đưa công cụ tích điện trong điều hành lưới điện.
Cụ thể, ngành điện có thể dùng thủy điện tích năng kết hợp với điện mặt trời để ban ngày phát một phần lên lưới, còn lại bơm nước lên đỉnh núi, khi nào lưới điện cần thì xả nước xuống để phát điện.
Tuy nhiên theo chuyên gia này, giải pháp kỹ thuật như thế không đủ, thủy điện từ lúc phát lệnh đến lúc hoạt động hết công suất phải mất 5-7 phút nhưng hệ thống điện cần hoạt động liên tục theo từng giây.
Doanh nghiệp này đề xuất lắp pin dự phòng theo công suất vừa (30-60 phút) đủ để trong lúc thủy điện tích năng chưa kịp phát thì có thể dùng, giải quyết được vấn đề thiếu ổn định trong sản xuất điện gió, mặt trời. Giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ với lưới điện thông minh, cân bằng giữa công suất phát điện và tiêu thụ.
“Lưới điện thông minh kết hợp giải pháp tích điện thì việc phát triển điện gió, điện mặt trời hoàn toàn khả thi”, ông Tri khẳng định.