|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Vinatex: Tăng nhập khẩu vải Hàn Quốc để hàng vào EU chuẩn xuất xứ 'từ vải trở đi'

15:17 | 18/12/2020
Chia sẻ
Hàn Quốc là thị trường cung ứng vải lớn thứ hai của Việt Nam với mức độ trung bình lên tới 2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng từ 17-18% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam/năm

Sau 10 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức đi vào thực tế từ ngày 1/8/2020. 

Các chuyên gia kinh tế dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định.

Tuy nhiên, theo cam kết tại EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi ích về cắt giảm thuế quan, các doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ, trong đó, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” với yêu cầu vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam, hoặc các nước thành viên EU.

Đây là điều dệt may Việt Nam lo lắng nhất bởi phần lớn nguyên phụ liệu dệt may đang phải nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA.

Sau khoảng 4 tháng hiệp định thực thi, mới đây, Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong EVFTA đã được ký kết nhằm tháo gỡ điểm nghẽn nghiêm ngặt về sử dụng vải trong hiệp định.

Bởi với thỏa thuận này doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, xử lý điểm yếu về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu vải đối với hàng dệt may xuất khẩu đi thị trường EU, do Hàn Quốc cũng đã ký hiệp định thương mại với EU.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết trong 5 năm qua, Việt Nam nhập khẩu lượng vải từ Hàn Quốc lớn thứ hai, sau Trung Quốc, mức độ trung bình lên tới 2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng từ 17-18% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam/năm. Riêng Việt Nam có 30% lượng vải sản xuất trong nước, 70% lượng vải nhập khẩu. 

"Nay với Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong Hiệp định EVFTA, thì hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50%.

Điều này là hết sức thuận lợi cho dệt may Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU. Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc bên cạnh lượng vải được sản xuất tại Việt Nam để thực hiện các đơn hàng vào EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải”, ông Trường chia sẻ.

EU hiện là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may với kim ngạch nhập khẩu trị giá hơn 250 tỉ USD/năm. 

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU còn khá khiêm tốn, như năm 2019 kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt 4,3 tỉ USD, chiếm 2% thị phần của thị trường EU, một tỉ lệ rất nhỏ so với những tiềm năng mà thị trường này đem lại.

Như Huỳnh

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.