|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Ủy ban chứng khoán: Việt Nam có thể được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng TTCK trong 2 năm tới

17:17 | 21/08/2018
Chia sẻ
Nếu kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng trong năm 2019 là điều không tưởng, tuy nhiên theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán - Trần Văn Dũng, trong vòng hai năm tới Việt Nam có thể được thêm vào danh sách xem xét theo dõi cho thị trường mới nổi.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được xem xét vào danh sách theo dõi nâng hạng trong 2 năm tới

Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam (ViEF) diễn ra sáng nay, khi trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: "Hai, ba năm nữa Việt Nam có thể được đưa vào thị trường mới nổi không?", ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết:

Các tiêu chí đánh giá của MSCI gồm cả định lượng và định tính, dựa chủ yếu vào bảng hỏi các nhà đầu tư, do đó không phụ thuộc vào nội lực thị trường Việt Nam cũng như là các chính sách Nhà nước phát triển thị trường. Với cách xếp hạng như thế, theo ông Dũng thì khó nói bao giờ Việt Nam có thể nâng hạng.

Vấn đề bây giờ là bao giờ thị trường Việt Nam xứng đáng, điều này cần dựa vào tiềm năng phát triển cũng như là chính sách của Chính phủ để phát huy tiềm năng và chia sẻ cơ hội đó với các nhà đầu tư trong ngoài nước. Việc nâng hạng thị trường không phải chỉ phụ thuộc vào riêng thị trường chứng khoán.

Nhưng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam và quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là tạo môi trường bình đẳng, Chủ tịch UBCK tin rằng Việt Nam sẽ sớm được đưa vào danh sách xem xét của MSCI. Nhưng cũng không thể kỳ vọng vào câu chuyện đó một sớm một chiều, nếu kỳ vọng trong 2019 là điều không tưởng.

Ông Dũng cho rằng, tình hình đang rất tốt, do đó việc Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi trong 2 năm tới là có thể được.

chu tich uy ban chung khoan viet nam co the duoc them vao danh sach theo doi nang hang ttck trong 2 nam toi
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ảnh: VnExpress)

Làm sao để huy động 60 tỷ USD nhàn rỗi trong dân?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Alwaleed Fareed Alatabani (Chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của World Bank) cho biết "có hai vấn đề cần giải quyết để khuyến khích thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển”. Một là làm cách nào để Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút. Theo ông, nhiều nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm đến quỹ đầu tư cho người về hưu ở Việt Nam. Ông cho rằng, lộ trình này có thể được thực hiện trong 3 – 4 năm tới.

Hai là phát triển tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Ông Alatabani cho rằng, nền kinh tế nước ta có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong người dân mà ta chưa huy động được.

Theo ông: "Khi đầu tư dài hạn, cần nghĩ xem làm cách nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời, tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu chứng khoán của Việt Nam phát triển".

Yếu tố nội lực vai trò ngày càng quan trọng

Nhận định về ý kiến "nội lực là yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng trên thị trường chứng khoán", ông Trần Văn Dũng cho biết vai trò của nội lực sẽ ngày càng được thể hiện rõ nét.

"Sự tham gia của khối ngoại với cổ phiếu còn thấp so với các nước trong khu vực nên cần có chính sách chỉ thu hút nhà đầu tư nước ngoài", ông Dũng nói.

Theo ông, thị trường vốn cần có chính sách để cần bằng thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Hiện nay, Việt Nam chỉ có khoảng 2 triệu nhà đầu tư cổ phiếu - con số khiêm tốn so với 95 triệu dân và các nước khu vực.

Bên cạnh đó, vấn đề ít được nhắc đến nhưng không kém phần quan trọng là phát triển nhà đầu tư cá nhân. Để phát triển, Việt Nam phải có sản phẩm đa dạng, phát triển các loại quỹ đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Một trong những vấn đề quan trọng là phát huy vai trò của các tổ chức, định chế tài chính, các công ty chứng khoán, quản lý quỹ. "Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, tư nhân tham gia công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu về thị trường vốn và tiếp cận được nguồn vốn", ông Dũng nhấn mạnh.

Xem thêm

Đông A