|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phó Thủ tướng: Sẽ tái cơ cấu mạnh mẽ thị trường chứng khoán, kể cả HOSE và HNX

15:04 | 21/08/2018
Chia sẻ
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ sẽ chỉ đạo và ban hành chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán, ngân hàng để có thể tái cơ cấu mạnh mẽ. Sắp tới sửa đổi luật chứng khoán, tái cơ cấu mạnh thị trường chứng khoán kể cả sàn giao dịch HOSE và HNX.

Thị trường vốn và thị trường tiền tệ đang còn mất cân bằng

Sau 4 tiếng đồng hồ và hai phiên thảo luận diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) chuyên đề Vốn – Tài chính sáng 21/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ kết thúc bằng bài "thu hoạch", chia thành 3 nhóm vấn đề chính.

Phần trình bày chung của các diễn giả nước ngoài, Phó thủ tướng cho rằng: "Có vẻ Chính phủ đang điều hành đúng, kể cả vấn đề kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các vướng mắc nguồn vốn...".

Các đánh giá và xếp hạng các tổ chức quốc tế cho thấy rõ điều này. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, Fed liên tục tăng lãi suất, USD xu hướng tăng mà Việt Nam vẫn giữ vững ổn định và được nâng hạng tín nhiệm là điều tích cực, ông nói.

Đồng hành cùng Chính phủ là doanh nghiệp trong ngoài nước - những nhân tố rất quan trọng. Phó thủ tướng mong rằng sẽ tiếp tục duy trì điều này.

Thứ hai, về tái cấu trúc thị trường. Thị trường tài chính Việt Nam hiện nay được cấu thành bởi thị trường vốn và tiền tệ, trong đó ngân hàng giữ vai trò chủ đạo. Mặc dù thị trường chứng khoán và các định chế phi ngân hàng có nỗ lực nào đó phát triển tích cực, nhưng đây vẫn mất cân bằng. Để giải quyết vấn đề này, Phó thủ tướng nhận định, cần tăng vai trò của định chế phi ngân hàng, một vấn đề nữa là giải quyết tốt thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Ví dụ nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Chính phủ bảo lãnh thị trường tiền tệ, trước đây khác thị trường Việt Nam không đáp ứng được. Do đó Chính phủ quyết định chỉ có những công trình rất quan trọng Chính phủ mới bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, nhưng cũng chỉ ở mức 30%, còn các trường hợp khác các doanh nghiệp phải tự giải quyết, mà thị trường chúng ta đã đáp ứng được.

Chính sách chống USD hóa, lãi suất tiền gửi USD 0% đang phát huy tác dụng tốt, nhưng nếu không phát triển thị trường mua bán ngoại tệ đủ mạnh thì khó có thể đáp ứng được với chính sách nói trên. Và ngay cả thị trường ngoại tệ cũng cần phải sử dụng nhiều công cụ phái sinh trong thị trường ngoại hối, cũng là một phương án giúp hạn chế áp lực tỷ giá trong điều kiện tỷ giá thế giới biến động phức tạp.

"Chúng ta cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Một trong những điều kiện quan trọng để giải quyết là áp dụng các công cụ, gỡ áp lực về mặt tỷ giá, lãi suất biến động", Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng đưa ra một số giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, thị trường chứng khoán phải phát triển cả ở thị trường cơ sở, chính phủ cần có biện pháp phát triển thị trường này. Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần đột phá, phát triển sản phẩm hưu trí tự nguyện...

pho thu tuong se tai co cau manh me thi truong chung khoan ke ca hose va hnx
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (giữa) phát biểu tổng kết Diễn đàn.

Cơ cấu mạnh thị trường chứng khoán, kể cả hai sàn giao dịch HOSE và HNX

"Cần chủ động huy động vốn trung dài hạn với phương châm nội lực quyết định nhưng ngoại lực quan trọng", Phó thủ tướng nói.

Nhắc lại mục tiêu Việt Nam có thể lọt danh sách đánh giá thị trường chứng khoán mới nổi trong hai năm tới của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước, Phó thủ tướng chỉ đạo cần kiên trì xây dựng thị trường chứng khoán bền vững, lành mạnh.

Chính phủ sẽ chỉ đạo và ban hành chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán, ngân hàng để có thể tái cơ cấu mạnh mẽ. Sắp tới sửa đổi luật chứng khoán, tái cơ cấu mạnh thị trường chứng khoán kể cả sàn giao dịch TP Hà Nội và TP HCM.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Vương Đình Huệ, ngoài các đơn vị xếp hạng tín nhiệm các cơ quan quản lý cho rằng cần có trung tâm chứng khoán doanh nghiệp đưa vào giao dịch bình thường để tạo thanh khoản.

Hiện Chính phủ đã ban hành Quyết định 1191 về phát hành trái phiếu Chính phủ và chỉ đạo Bộ Tài chính trong đó có Dự thảo Nghị đinh 90 về thị trường chứng khoán.

"Thông điệp của Chính phủ là kiên quyết để Việt Nam sớm là công nhận thị trường chứng khoán mới nổi", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Về quỹ hưu trí tự nguyện, Chính phủ cho biết đã có nhiều động thái nhằm tăng cường quỹ này bổ sung cho thị trường vốn.

Riêng về ý kiến "lộ trình cổ phần hóa diễn ra chậm", Phó thủ tướng cho rằng, nếu nhìn về số lượng doanh nghiệp có thể chậm song về lượng vốn thì có thể nói là nhanh. Sáu tháng đầu năm nay, giá trị từ cổ phần hóa tăng hơn 2 lần so với năm ngoái. "Do vậy chưa chắc tốc độ đã chậm, lộ trình tiếp theo như thế nào Việt Nam đều đã công bố cho các nhà đầu tư. Điều này thể hiện minh bạch của thị trường", ông Vương Đình Huệ nói.

Về gợi ý liên quan đến chứng chỉ ký quỹ không biểu quyết giải quyết bài toán nới room vẫn đảm bảo quyền lợi hay cổ phiếu vàng giành quyền phủ quyết để bảo vệ lợi ích cốt lõi, đại diện Chính phủ đánh giá đây là ý kiến hay khi đảm bảo an ninh quốc gia và khẳng định Việt Nam sẽ lắng nghe và nghiên cứu.

Tiếp tục phát triển trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp, xem xét cơ cấu lại VN-Index

Chính phủ có thông báo sẽ tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu chính phủ nhằm huy động vốn cho nền kinh tế khi Việt Nam đã tốt nghiệp ODA. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại các khoản nợ công.

Chính phủ sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ theo hướng dùng trái phiếu lãi suất thấp thay thế cho trái phiếu đáo hạn lãi suất cao, hoặc phát hành mới trái phiếu kỳ hạn dài thay thế kỳ hạn ngắn, giảm áp lực trả nợ trước mắt là không nên. Đồng thời cơ cấu lại vay trong và ngoài nước, giảm khoản vay nước ngoài tăng vay trong nước.

Trái phiếu doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, quỹ hưu trí tự nguyện. Ngay cả thị trường phái sinh cần đa dạng hóa hơn nữa, cần xem xét cơ cấu lại VN-Index để mang tính đại diện hơn cho thị trường.

Theo ông, quá trình tái cấu trúc thị trường vốn tài chính cần gắn chặt với quá trình chuyển mình của nền kinh tế. Chính phủ cần tạo điều kiện cho thị trường phát triển rồi mới đặt vấn đề quản lý nó.

Tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng phi chính thức, đối với tín dụng đen đúng nghĩa thì phải chống, xóa bỏ. Đối với hình thức tín dụng phi chính thức, mong muốn của Chính phủ muốn hiểu rõ hơn, quốc tế giải quyết như thế nào. Tạo hệ sinh thái cho vay chia sẻ, như cho vay ngang hàng, phát triển mạnh tài chính vi mô, fintech…

Chính phủ đã ban hành Nghị định 38, cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ gọi vốn từ cộng đồng. Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ này sẽ được đặt tại các địa phương số dư ít nhất là 100 tỷ. Hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV, Nhà nước sở hữu 100% vốn.

Hiện Chính phủ cũng đang trong giai đoạn hậu kỳ, thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với hai nội dung.

Tài trợ cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào chuỗi giá trị và làm đầu mối tiếp nhận các nguồn vốn, tạo thành các quỹ hỗ trợ.

Quan trọng phải có nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phân biệt cá nhân hay tổ chức

pho thu tuong se tai co cau manh me thi truong chung khoan ke ca hose va hnx
Phó thủ tướng phát biểu tổng kết diễn đàn.

Về việc có cần thiết phải lập thị trường cổ phiếu riêng cho các nhà đầu tư tổ chức hay không, cá nhân ông Vương Đình Huệ cho rằng: "Điều quan trọng lúc này là cần có nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tổ chức, không cần phân biệt là tư nhân hay quỹ đầu tư lớn, tất nhiên, việc có một sàn giao dịch riêng cũng là vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu".

Ông cũng nhấn mạnh sự minh bạch, công khai trong thị trường, hệ thống giám sát nội địa. Quan trọng phải có hệ thống quản trị tốt, tăng cường giám sát đồng thời siết chặt lại thị trường theo hướng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia thị trường ổn định, có tổ chức và nâng cao hoạt động của thị trường.

Tăng cường các công cụ tư vấn tài chính, thuế, kiểm toán và nâng cao chất lượng các công cụ này. Một hệ thống trái phiếu Chính phủ muốn tiếp cận thị trường quốc tế, chắc chắn phải có những cơ chế để xác định tín nhiệm quốc gia. Trái phiếu doanh nghiệp hay trái phiếu công trình thì cũng cần có các tổ chức định hạng tín nhiệm.

Hiện Tập đoàn Điện lực (EVN) phát hành trái phiếu không có bảo lãnh Chính phủ ra quốc tế, WB đang hỗ trợ xây dựng định hạng tín nhiệm, Chính phủ mong sớm hình thành các tổ chức định hạng tín nhiệm quốc gia, định hạng doanh nghiệp.

Xem thêm

Đông A