|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Thế Giới Di Động: 'Kinh doanh cổ phiếu của chính mình, cạnh tranh với chính các cổ đông nhỏ lẻ trên sàn là không có đạo đức'

15:40 | 12/05/2020
Chia sẻ
Nói về lí do không mua hết cổ phiếu như đăng kí bán đầu, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho biết, ông không muốn kinh doanh trên cổ phiếu của chính mình vì ông có quá nhiều thông tin, làm như vậy là không công bằng với các cổ đông.
Chủ tịch MWG: "Tôi không muốn kinh doanh trên cổ phiếu của công ty" - Ảnh 1.

Ảnh: Bstyle

Mới đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cập nhật tình hình kinh doanh tháng 4/2020 với các chuyên viên phân tích, các nhà môi giới và các cổ đông lớn.

Doanh thu tháng 4 giảm 20%, chuỗi Bách Hoá Xanh ổn định trở lại 

Tại cuộc họp, đại diện công ty cho biết doanh thu tháng 4/2020 của toàn tập đoàn giảm khoảng 20% so với mức hơn 9.000 tỉ đồng cùng kì năm 2019.

Trong đó, tổng doanh số của Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) trong tháng 4 giảm gần 30% so với cùng  năm trước vì mùa nóng năm nay đến trễ và một số cửa hàng phải tạm đóng cửa để phối hợp chống dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Doanh thu online tăng chủ yếu do khách hàng tại những địa phương có cửa hàng tạm đóng chuyển sang mua online. Tính riêng cho TGDĐ và ĐMX, tỉ trọng doanh thu online so với tổng doanh thu của hai chuỗi này năm ở mức cao hơn 20%.

Riêng đối với Bách Hóa Xanh, doanh thu chuỗi này đã bình ổn trở lại sau khi tăng nóng trong mùa dịch.

Cụ thể, do nhu cầu tích trữ cao trong giai đoạn giãn cách xã hội, BHX đạt mức doanh thu bình quân kỉ lục 1,65 tỉ đồng/cửa hàng/tháng và biên lợi nhuận gộp đạt hơn 21%. Tuy nhiên từ tháng 4, doanh thu đã bình ổn trở lại ở mức gần 1,4 tỉ đồng/tháng/cửa hàng.

"Doanh thu đột biến của tháng 3 đã suy giảm trong tháng 4, nhưng mức giảm đó không quay về như thời điểm trước dịch. Chẳng hạn như khi chưa có dịch công ty bán được 10, khi có dịch bán lên đến 15, nhưng khi hết giãn cách xã hội vẫn bán được 12, nghĩa là mặc dù giảm nhưng vẫn tăng trưởng so với thời điểm trước kia", Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh cho biết.

Chủ tịch MWG: "Tôi không muốn kinh doanh trên cổ phiếu của công ty" - Ảnh 2.

Doanh thu Bách Hóa Xanh bình ổn trở lại sau khi tăng nóng trong mùa dịch. (Ảnh: MWG)

Với kế hoạch sắp xếp các cửa hàng, MWG cho biết sẽ tiếp tục chuyển đổi các siêu thị TGDĐ có doanh thu và diện tích đủ lớn sang ĐMX. Đến cuối năm 2020, chuỗi ĐMX dự kiến sẽ có 1.350 siêu thị, trong khi lượng siêu thị của TGDĐ giảm xuống còn 800.

Sẽ giảm chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh

Về vấn đề thương lượng giảm giá mặt bằng, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT  cho biết các chuỗi TGDĐ và ĐMX đã tiếp cận hầu hết các chủ nhà để xin giảm chi phí mặt bằng. Đến thời điểm hiện tại, công ty nhận được sự ủng hộ rất lớn đến từ hầu hết các chủ nhà.

"Tùy theo cửa hàng, công ty sẽ thương lượng tỉ lệ giảm giá khác nhau, con số cụ thể công ty cũng xin phép không tiết lộ. Tuy nhiên, cũng có những người chủ không ủng hộ việc giảm chi phí mặt bằng. 

Tôi coi đó là cơ hội để công ty nhìn nhận lại một số cửa hàng, đối với các địa điểm không điều chỉnh giá có thể chọn lựa mặt bằng mới đẹp hơn và chi phí tốt hơn để di dời”, ông Hiểu Em nhận định.

Đối với chuỗi Bách Hóa Xanh, ông Doanh cho biết việc thương lượng của các cửa hàng Bách Hóa Xanh rẻ hơn nhưng chưa có con số chính xác.

Với những khó khăn trong năm 2020, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho biết công ty sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2020. Cụ thể, công ty sẽ đi theo hướng nỗ lực bảo vệ doanh thu và đặt mục tiêu lợi nhuận chỉ giảm tối đa 20% so với năm 2019.

Được biết trước đó, Thế Giới Di Động công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu thuần dự đạt 122.554 tỉ đồng và lãi sau thuế 4.835 tỉ đồng, tương ứng tăng trưởng 20% và 26% so với thực hiện năm 2019.

Ngoài ra, Chủ tịch MWG cho biết thêm công ty sẽ hạn chế phát hành cổ phần riêng lẻ để huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo lợi ích cho các cổ đông.

"Nếu trong tương lai MWG có các dự án cần huy động vốn lớn thì công ty sẽ ưu tiên sử dụng phương án phát hành cổ phần cho các cổ đông hiện hữu. Điều này đồng nghĩa với việc mọi cổ đông đều có quyền tham gia vào đợt phát hành và đảm bảo tính công bằng cho tất cả."

"Không kinh doanh trên cổ phiếu công ty"

Khi được hỏi về việc tại sao không mua hết số cổ phần đăng kí mua trong đợt vừa qua, ông Tài chia sẻ: "Tôi đăng kí mua 500.000 cổ phiếu nhưng mới thực hiện mua 200.000 đơn vị. Thật ra, nếu mua là thắng trong góc nhìn của tôi. Nhưng sau khi cân nhắc, tôi không muốn kinh doanh trên cổ phiếu của chính mình. Bởi vì tôi có quá nhiều thông tin nên nếu mua cổ phiếu của công ty thì tỉ lệ thắng lên đến 99%."

Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng, việc chủ tịch một công ty kinh doanh cổ phiếu của chính mình, cạnh tranh với chính các cổ đông nhỏ lẻ trên sàn là không có đạo đức.

"Nhiều cổ đông nói tôi cứ mua đi để tạo niềm tin, nên tôi đã đăng kí mua, thậm chí hạn mức ban đầu lên tới 1-2 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định chỉ mua 200.000 đơn vị vậy thôi", ông Tài nói thêm.

Đối với chính sách phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP), MWG dự kiến sẽ có điều chỉnh dựa trên tăng trưởng năm nay so với mục tiêu đề ra. “Một chính sách phù hợp sẽ tạo động lực để mọi người nỗ lực chiến đấu, bảo vệ thành quả của công ty trong khoảng thời gian khó khăn này”, ông Tài nhận định.

Cuối cùng, Chủ tịch MWG cho biết ưu tiên số một của công ty lúc này là bảo vệ dòng tiền kinh doanh, do đó, cổ tức tiền mặt cho cổ đông sẽ được tính đến nếu việc làm ăn và dòng tiền ổn định. Đối với đề nghị chia cổ tức bằng cổ phiếu, sếp Thế giới di động khẳng định đây là hoạt động không có nhiều ý nghĩa.

"Nếu giá cổ phiếu tăng cao, tôi sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu để giảm giá trị danh nghĩa để cho các cổ đông nhỏ lẻ cảm thấy thoải mái. Nếu không làm như vậy thì hiện thị giá cổ phiếu của MWG đang là 400.000 - 500.000 đồng/đơn vị."

Thanh Tùng