Chủ tịch LienVietPostBank: 'Năm 2019 nếu tận dụng được sẽ tốt hơn 2018'
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) - Ảnh: Quang Phúc. |
Theo góc nhìn này, những diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua có phần nghịch lý và có phần tác động bất lợi từ bên ngoài. Hiện tại là thời điểm cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, và 2019 sẽ là năm có kết quả tốt hơn 2018 đối với các ngân hàng, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung.
Ông đánh giá chung thế nào về năm 2018 mà các ngân hàng thương mại Việt Nam vừa trải qua?
Năm 2018 tôi đánh giá cơ bản là thành công, cả về phát triển kinh tế của đất nước nói chung và hoạt động của ngân hàng nói riêng. Các chỉ tiêu quốc gia, nổi bật như tăng trưởng GDP 7,08% cao nhất trong 7 năm qua, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, tỷ giá ngoại tệ và lãi suất ổn định.
Hoạt động các ngân hàng thương mại nói chung đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đó, và phần lớn các ngân hàng đều vượt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2018.
Nhưng trong thời gian qua và hiện tại vẫn còn một số vấn đề nổi cộm, như tín dụng đen, cho vay nặng lãi phát triển phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nghèo, người có thu nhập thấp trên phạm vi toàn quốc và có liên quan tội phạm kinh tế, an ninh tiền tệ.
Năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng là một trong những ngành tiên phong, đón đầu xu thế phát triển công nghệ 4.0 nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Nhiều ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, đầu tư hạ tầng công nghệ, kết hợp với các công ty fintech triển khai các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt như ví điện tử, internet banking, mobile banking và các dịch vụ theo xu hướng ngân hàng số.
Tuy nhiên, vẫn còn những giới hạn để đẩy nhanh các ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính. Trong đó, một trong những điều các ngân hàng quan tâm nhất là cần có khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy cuộc cách mạng chuyển đổi số, cũng như phát triển nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Liên quan đến điểm này, tại nghị quyết đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ nêu một cách cụ thể về áp dụng các giải pháp công nghệ, sáng tạo trong hoạt động ngân hàng. Và cũng là lần đầu tiên ví điện tử được nêu rõ ở trong khuôn khổ một nghị quyết của Chính phủ: giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương án nạp tiền vào ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng. Giải pháp nạp tiền này cũng đã được ông đề xuất trong thời gian qua?
Đúng vậy. Qua thực tế triển khai sản phẩm Ví Việt - ngân hàng số của LienVietPostBank trong thời gian qua, khó khăn lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là làm sao có cơ chế để thuận tiện nhất cho người dùng ví điện tử hay ngân hàng số trên điện thoại di dộng có thể nạp tiền mặt vào tài khoản ví điện tử mọi lúc mà không cần phải đến điểm giao dịch ngân hàng.
Vì vậy, tôi đã có đề xuất trong các hội nghị chuyên đề về tài chính - ngân hàng là cần có cơ chế cho phép các ngân hàng được lựa chọn và phát triển hệ thống đại lý, là những điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ nộp tiền mặt vào ví điện tử, dịch vụ ngân hàng có giới hạn cho ngân hàng.
Nếu được như vậy, người dân mọi lúc, mọi nơi có thể đến các đại lý của ngân hàng để nộp tiền mặt vào ví điện tử hay tài khoản ngân hàng số từ những món tiền nhỏ họ tích cóp hàng ngày để thanh toán không dùng tiền mặt các phí điện, nước, viễn thông, chuyển tiền, gửi tiết kiệm online…
Đồng thời, hệ thống đại lý của ngân hàng cũng là các điểm phát triển người dùng, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng ví điện tử, ngân hàng số; làm dịch vụ ngân hàng số cho những người dân chưa có điện thoại di động thông minh hay chưa biết sử dụng.
Theo tôi, giải pháp này vừa giải quyết được hạn chế của ngân hàng về thời gian, không gian địa lý, về phương thức dịch vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả ngân hàng và người dân và điểm quan trọng nữa là giúp cho ngân hàng có thể huy động tín dụng từ tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm, cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ các tầng lớp người dân và góp phần hạn chế tín dụng đen.
Đương nhiên, khi ban hành quy định về hệ thống đại lý ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có những quy định cụ thể tiêu chuẩn, giới hạn, hạn mức... của đại lý để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi do hoạt động của đại lý. Ví dụ như xác định các đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3 tương ứng với hạn mức số tiền được phép thực hiện trong ngày về dịch vụ nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền mặt từ ví, thanh toán, chuyển tiền hộ và các dịch vụ khác của ngân hàng cho người dân, khách hàng.
Mặt khác, các ngân hàng lựa chọn đại lý ngoài việc đáp ứng đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải có các điều kiện của đại lý về ký quỹ, thế chấp, tín chấp...; có các phần mềm quản lý, các biện pháp ngăn chặn sự giả mạo, tránh rủi ro cho người giao dịch tại đại lý, đảm bảo an toàn vận hành hệ thống đại lý này.
Đây là một nhu cầu cấp bách và nếu giải quyết được sẽ là động lực lớn để tạo cánh tay nối dài cho các ngân hàng đến mọi nơi trên toàn quốc, góp phần thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại, trả phí dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ công có thu.
Tôi nghĩ các ngân hàng đang kỳ vọng năm 2019 sẽ có cú hích như vậy, và Nghị quyết 02 của Chính phủ đã chỉ rõ giải pháp thực hiện theo tinh thần của một Chính phủ kiến tạo.
Còn với hoạt động của LienVietPostBank, kết quả năm 2018 như thế nào và triển vọng trong năm 2019, thưa ông?
Với LienVietPostBank, trong năm 2018, về công nghệ đã hoàn thành nâng cấp core banking lên phiên bản mới nhất của Oracle, chuyển đổi core thẻ hiện đại của Smart Vista, là năm Ví Việt nâng cấp cung cấp các chức năng, dịch vụ của ngân hàng số.
Tính đến hết năm 2018, Ví Việt đã có gần 26 nghìn điểm chấp nhận thanh toán với hơn 2,4 triệu người sử dụng trên toàn quốc.
Về mạng lưới, với đặc thù của LienVietPostBank là "ở đâu có bưu điện, ở đó có ngân hàng", năm qua chúng tôi đã phối hợp với VietNam Post tập trung phát triển mạng lưới để mở rộng địa bàn hoạt động và phục vụ bán lẻ tốt hơn. Đến cuối 2018, LienVietPostBank là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới rộng lớn nhất cả nước với hệ thống các điểm giao dịch phủ khắp 63/63 tỉnh thành đến tận các huyện, xã với hơn 400 chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng, hơn 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện trên toàn quốc.
Năm qua LienVietPostBank cơ bản vượt các chỉ tiêu kinh doanh sau điều chỉnh, với lợi nhuận đạt trên 1.200 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 175.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ chia cổ tức 10% cho năm 2018 sau khi có phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Về hoạt động, cơ cấu kinh doanh chuyển mạnh sang hướng ngân hàng bán lẻ. Kết quả bán lẻ huy động nhỏ lẻ qua mạng lưới tiết kiệm bưu điện duy trì số dư thường xuyên hơn 50.000 tỷ đồng; phát triển cho vay tiêu dùng đến người dân, cho vay hưu trí, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang…
Năm 2018 là năm LienVietPostBank xây dựng nền móng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để từ năm 2019 với kế hoạch tiếp tục tập trung đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao 4.0, chuyển đổi số, nâng cấp hệ thống công nghệ thẻ mềm, QR code, chuẩn hóa hoạt động của ngân hàng theo Basel 2 và tập trung cho phát triển Ví Việt thành ngân hàng số.
Trong năm 2019, LienVietPostBank tiếp tục lộ trình nâng vốn điều lệ từ gần 7.500 tỷ đồng lên trên 10.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt trên 1.800 tỷ đồng. Chia cổ tức từ 10 - 12%, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong mức an toàn cao so với quy định của Nhân hàng Nhà nước.
Định hướng chung, ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh bán lẻ, huy động tín dụng vi mô, tăng nguồn thu từ phí dịch vụ ngân hàng và từ ngân hàng số.
Liên quan đến triển vọng 2019, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, khoảng 14%, theo ông sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động ngân hàng, có thụ động hay không?
Về hạn mức tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải tập trung cân đối tầm vĩ mô là kiểm soát lạm phát, an toàn tiền tệ của quốc gia, nên quy định mức tăng trưởng tín dụng có giới hạn phù hợp với tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, chính sách chung thì sẽ ảnh hưởng đến một số ngân hàng đặc thù. Nếu các ngân hàng đều có giới hạn tăng trưởng là 14% thì sẽ có ngân hàng không sử dụng hết mức tăng trưởng, có ngân hàng phát triển tốt, tăng vốn điều lệ trong năm thì lại bị giới hạn mức tăng trưởng.
Như LienVietPostBank là ngân hàng đặc thù có điều kiện phát triển mạng lưới rộng lớn, dịch vụ bán lẻ cho vay tiêu dùng, cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, có huy động tín dụng dân cư tốt thì mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 phải ở mức 20% thì mới phù hợp và đạt hiệu quả kinh doanh tốt.
Tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm cần xem xét, đánh giá tăng trưởng tín dụng cụ thể từng ngân hàng để phê duyệt hạn mức tăng tín dụng phù hợp và cân đối chung trong toàn hệ thống.
Bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ông đánh giá thế nào về bối cảnh thị trường và các điều kiện chung đối với triển vọng hoạt động các ngân hàng?
Năm 2019 có thuận lợi nối tiếp từ đà tăng trưởng GDP cao và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của năm 2018.
Việt Nam có thể chế và chính trị ổn định. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia ký kết có cơ hội để thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phát triển kinh thế nội địa và tăng cường xuất khẩu.
Mặc dù, trong thời gian mấy tháng vừa qua, ảnh hưởng chiến tranh thương mại làm cho thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm.
Tôi nhận thấy, nhiều doanh nghiệp tổng kết năm 2018 có kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận hơn, dự kiến chia cổ tức cho cổ đông trên 10%, nhưng giá cổ phiếu hiện tại lại thấp hơn nhiều so với đầu năm 2018. Đó là điều nghịch lý, mà theo tôi là do bị ảnh hưởng lớn từ tác động bên ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài quan ngại, lo lắng trước kinh tế thế giới bất ổn và giảm đầu tư vào chứng khoán làm thị trường chứng khoán suy giảm, dòng vốn bị rút ra.
Cá nhân tôi nhận định là giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng tại thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang thấp hơn giá trị thật.
Theo tôi dự đoán thì bắt đầu từ quý 2/2019 sẽ có sự ổn định về thị trường chứng khoán do các nước lớn sẽ có thỏa thuận về thương mại vì lợi ích kinh tế giữa các bên. Thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc và hiện tại là thời điểm cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, và năm 2019 sẽ là năm có kết quả tốt hơn 2018 đối với các ngân hàng, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung.