Cho phép đồng nhân dân tệ mất giá đột ngột, Trung Quốc đang thừa nhận nền kinh tế cần giúp đỡ?
Ảnh: Getty Images
Việc đồng nhân dân tệ tụt xuống dưới ngưỡng 7 đổi một USD đã đặt đồng nội tệ của Trung Quốc vào mức yếu nhất kể từ năm 2008 và đưa nó tiến gần hơn đến các xu hướng kinh tế đã đẩy tăng trưởng xuống gần mức thấp nhất trong 25 năm.
Các nhà kinh tế nhận định, khả năng đồng nhân dân tệ suy yếu đã trở nên rõ ràng hơn khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đi xuống. Tuy nhiên, các yếu tố căn bản không thể tác động đến quyết định chính trị để duy trì sức mạnh của đồng nhân dân tệ trong các cuộc đàm phán thương mại "căng não" với Mỹ.
Đồng USD đã tăng mạnh so với đồng nhân dân tệ trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, chỉ là không nhanh như so với các loại tiền tệ khác, theo Wall Street Journal.
Trong khi các quan chức chính phủ hàng đầu ở Bắc Kinh tìm cách xây dựng thiện chí với Chính phủ Mỹ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) lại "đi ngược chiều gió" bằng cách chống lại các yếu tố suy yếu ảnh hưởng đến đồng nhân dân tệ, ông David Loevinger cho hay.
Ông Loevinger là giám đốc điều hành của TCW Group (California) và từng đại diện cho Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh trước đây.
Giới phân tích nhận định, các nhà xuất khẩu, vốn đang trong tình cảnh chật vật ở Trung Quốc, nên vui mừng ngay cả khi đồng nhân dân tệ bị phá giá không nhiều nếu điều đó khiến sản phẩm của họ rẻ hơn đối với khách hàng nước ngoài.
Nhằm tránh phí hoàn trả cao hơn, việc điều chỉnh đồng nhân dân tệ cũng có thể tạm ngăn các công ty muốn bán trái phiếu ra thị trường nước ngoài.
Ngoài việc gây phẫn nộ cho Mỹ, rủi ro chính của Bắc Kinh hiện nay chính là chính phủ đang làm suy yếu niềm tin vào đồng nội tệ và khiến người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp tin rằng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm sâu hơn.
Vài giờ sau bước đi của Trung Quốc vào hôm 5/8, Bộ Tài chính Mỹ đã gán mắc kẻ thao túng tiền tệ cho Bắc Kinh, một động thái mang tính biểu tượng để yêu cầu Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiến hành điều tra hành vi của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng chỉ ra sức mạnh trong quá khứ của đồng nhân dân tệ để bác bỏ nhận định thao túng tiền tệ từ phía Mỹ. Đồng nội tệ của Trung Quốc đã tăng khoảng 40% kể từ năm 2005. Còn PBoC lại chỉ ra các yếu tố thương mại để lí giải cho mức sụt giảm của đồng tiền vào hôm 5/8.
Đồng nội tệ yếu hơn là thông tin đáng hoan nghênh đối với nhà sản xuất bộ đồ ăn Langfang Jinheng Stainless Steel Products ở phía bắc tỉnh Hà Bắc.
Quản lí Liu Jifeng cho hay, việc điều chỉnh tỷ giá có thể giúp hạ giá xuất khẩu của dĩa và thìa do Langfang sản xuất ở thị trường Mỹ.
Công ty này này dự đoán giá của loạt sản phẩm này sẽ tăng tại Mỹ nếu Tổng thống Trump tiếp tục kế hoạch áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1/9 mà ông tuyên bố hôm 2/8, vì bước đi đó dường như đã kích hoạt biện pháp nới lỏng tỷ giá nhân dân tệ vào ngày 5/8 của Bắc Kinh.
Thương mại vẫn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách tự hào rằng tiêu dùng trong nước đóng góp vào hai phần ba mức tăng trưởng kinh tế của nước này.
Xuất khẩu ròng trên toàn cầu của Trung Quốc vẫn chiếm khoảng một phần năm mức tăng trưởng 6,2% ghi nhận được trong nửa đầu năm 2019, ngay cả khi Mexico thế chân Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại số một của Mỹ.
"Nếu Mỹ tiếp tục leo thang cuộc xung đột thương mại, không thể loại trừ khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép đồng nhân dân tệ suy yếu trước áp lực thị trường nhằm giúp nhà xuất khẩu bù đắp mức thuế suất cao hơn", nhà nghiên cứu Zhang Ming tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (Bắc Kinh) cho hay.