|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính sách 'zero COVID-19' của Trung Quốc và đồng NDT mạnh đe dọa kinh tế Nhật Bản

18:00 | 02/04/2022
Chia sẻ
Môi trường kinh doanh của Trung Quốc, thường bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 của Chính phủ và sức mạnh của đồng NDT, dự kiến sẽ “giáng” một đòn mạnh hơn nữa vào nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Chính sách "Zero COVID-19" của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản. (Ảnh: Thanh niên).

Nền kinh tế Nhật Bản, vốn đã phải đối mặt với áp lực đi xuống do cuộc khủng hoảng Ukraine (U-crai-na) và đồng yen mất giá, cũng có thể bị cản trở bởi chính sách "zero COVID" của Trung Quốc và xu hướng tăng giá của đồng NDT.

Giữa bối cảnh giá năng lượng và hàng hóa trên toàn cầu liên tục tăng cao sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Nhật Bản -quốc gia vốn nghèo tài nguyên- có thể trải qua tình trạng lạm phát tồi tệ hơn, sự kết hợp của suy thoái kinh tế và chi phí tiêu dùng tăng cao.

Đồng yen của Nhật Bản chắc chắn sẽ nới rộng đà giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác bao gồm USD và đồng euro, khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ siêu lỏng, có thể làm tăng giá nhập khẩu và tăng tốc lạm phát trong nước.

Trong hoàn cảnh đó, môi trường kinh doanh của Trung Quốc, thường bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 của Chính phủ, và sức mạnh của đồng NDT, dự kiến sẽ “giáng” một đòn mạnh hơn nữa vào nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Ngay cả sau khi Thế vận hội Mùa Đông và Thế vận hội người khuyết tật Bắc Kinh 2022 kết thúc, Trung Quốc cam kết tiếp tục thực hiện các bước quyết liệt để đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19, chẳng hạn như áp đặt lệnh phong tỏa xã hội tại các thành phố có dịch bùng phát và kiểm dịch chặt chẽ đối với du khách từ nước ngoài.

Vào cuối tháng 3/2022, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định phong tỏa thành phố Thượng Hải, nơi có dân số khoảng 25 triệu người, với mỗi nửa thành phố sẽ lần lượt đóng cửa trong 9 ngày đến hết ngày 5/4 tới.

Cũng có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, sẽ né tránh thực hiện các biện pháp hạ giá đồng NDT để kiềm chế sự tăng giá trong nước, vì đại dịch kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chỉ số tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo ngân hàng Mizuho Bank, thuộc tập đoàn tài chính Mizuho Financial Group Inc. của Nhật Bản, đồng NDT đã tăng vọt 6,4% giá trị từ đầu năm nay, lên 19,26 yen/NDT vào ngày 31/3/2022. Trong khi đồng USD tăng 6,0% giá trị, lên 122,41 yen/USD trong cùng kỳ.

Hiroshi Nakano, 43 tuổi, một công nhân Nhật Bản, cho biết: "Chúng tôi không biết khi nào các trung tâm giao thông và kinh doanh của Trung Quốc sẽ đột ngột bị đóng cửa và chúng tôi sẽ buộc phải tạm ngừng hoạt động. Chúng tôi không thể xây dựng chiến lược quản lý với tình hình này. Hơn nữa, sự sụt giảm mạnh của đồng yen so với đồng NDT đã cắt giảm lợi nhuận của chúng tôi”.

Đồng yen suy yếu so với đồng NDT làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Nhật Bản, mặc dù nó hỗ trợ các nhà xuất khẩu Nhật Bản vì họ có thể bán sản phẩm của mình rẻ hơn cho Trung Quốc và tăng giá trị doanh thu ở nước ngoài tính bằng đồng yen.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản từ Trung Quốc trong năm 2021 đã tăng 16,4% so với một năm trước đó, lên 20.400 tỷ yen (166,6 tỷ USD), trong khi xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc cùng kỳ tăng 19,2% lên 18.000 tỷ yen, làm thâm hụt thương mại với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới lên hơn 2.000 tỷ yen.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cho biết họ đã cố gắng giữ cho đồng NDT về cơ bản ổn định so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại. Cho đến nay, PBoC cũng bày tỏ sự sẵn sàng làm cho các điều kiện thị trường tài chính trở nên dễ chịu hơn.

Năm 2021, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 8,1% so với năm 2020, nhưng chỉ tăng 4% trong quý IV/2021, do lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19. Các chuyên gia đối ngoại cho biết, trong một nỗ lực nhằm đảm bảo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, chính sách zero-COVID có thể sẽ được duy trì, và nó sẽ ảnh hưởng mạnh hơn đến nền kinh tế.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 ở mức khoảng 5,5%, song Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, việc đạt được mục tiêu đó là "không dễ dàng" do bất ổn gia tăng.

Naoto Takeshige, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh doanh và Bền vững Ricoh ở Tokyo, cho biết đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc được kích hoạt bởi các hạn chế cứng rắn liên quan đến dịch COVID-19 đã diễn ra nhanh hơn ước tính. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc vào tháng 2/2022, thước đo giá hàng hóa giao dịch giữa các doanh nghiệp, đã tăng 8,8% so với một năm trước đó.

Đồng NDT tăng giá có thể kéo xuất khẩu của Trung Quốc, được mệnh danh là "công xưởng của thế giới" đi xuống, nhưng các cơ quan quản lý tiền tệ của nước này có thể vẫn chưa triển khai các biện pháp nhanh chóng để ngăn chặn đà tăng này.

Ngân hàng MUFG Bank, thuộc tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., cho biết, khi giá năng lượng toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, Trung Quốc có thể "chấp nhận đồng NDT mạnh lên".

Yuzo Sakai, giám đốc xúc tiến kinh doanh ngoại hối tại Ueda Totan Forex Ltd., cũng cho biết các nhà đầu tư có ít dấu hiệu đẩy mạnh mua vào đồng yen hơn so với đồng NDT vì họ tin rằng BoJ sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, không giống như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).  Chi phí nhập khẩu cao hơn dự kiến sẽ gây thiệt hại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Nhật Bản. Cuộc khảo sát Tankan của BoJ cho thấy, chỉ số lòng tin kinh doanh của các nhà sản xuất lớn tại Nhật Bản lần đầu tiên xuống mức tồi tệ trong bảy quý vào tháng 3/2022, do bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng và nguyên liệu thô tăng vọt.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Trang