|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính quyền Trung Quốc giục Chủ tịch Evergrande dùng tiền túi trả nợ

08:59 | 27/10/2021
Chia sẻ
Ước tính tài sản ròng của Chủ tịch Evergrande vào khoảng 7,8 tỷ USD, trong khi đó tập đoàn có tổng nợ phải trả hơn 300 tỷ USD.
Trung Quốc hối thúc Chủ tịch Evergrande dùng tiền túi trả nợ - Ảnh 1.

Tỷ phú Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn), nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Evergrande. (Ảnh: Bloomberg).

Nguồn tin của Bloomberg cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu Chủ tịch Hui Ka Yan sử dụng tài sản cá nhân để khắc phục khủng hoảng nợ của Evergrande.

Chỉ đạo của Bắc Kinh tới nhà sáng lập Evergrande được đưa ra sau khi tập đoàn trễ hạn thanh toán cho một lô trái phiếu USD có hạn chót ban đầu là ngày 23/9. Chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đang giám sát các tài khoản ngân hàng của Evergrande để đảm bảo tiền mặt của tập đoàn được dùng để hoàn thành các dự án nhà dở dang thay vì trả cho chủ nợ.

Yêu cầu ông Hui dùng tiền riêng để trả nợ của Evergrande là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh không sẵn lòng tiến hành giải cứu, ngay cả khi khủng hoảng của gã khổng lồ bất động sản này lan sang những nhà phát triển khác và tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường nhà ở.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang nhắm mục tiêu vào giới tỷ phú trong một phần của chiến dịch "thịnh vượng chung" để nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo.

Không rõ liệu tài sản của ông Hui có đủ lớn và đủ thanh khoản để tạo ra sự suy giảm đáng kể trong nghĩa vụ nợ của Evergrande không. Tính đến tháng 6, nợ của Evergrande đã phình lên hơn 300 tỷ USD.

Trái phiếu USD của Evergrande đang được giao dịch với giá thấp hơn hẳn mệnh giá trong bối cảnh nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc.

Trung Quốc hối thúc Chủ tịch Evergrande dùng tiền túi trả nợ - Ảnh 2.

Theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của ông Hui đã rớt xuống còn 7,8 tỷ USD từ mức đỉnh 42 tỷ USD năm 2017. Nhưng số liệu này đi kèm sự không chắc chắn đáng kể.

Phần lớn tài sản được biết tới của ông Hui đến từ cổ phần tại Evergrande và cổ tức tiền mặt nhận được từ tập đoàn kể từ khi niêm yết tại Hong Kong năm 2019. Ước tính ông Hui đã bỏ túi khoảng 8 tỷ USD trong thập kỷ qua nhờ các khoản thanh toán cổ tức hào phóng của Evergrande. Không rõ liệu ông có đem số tiền này đi tái đầu tư không.

Ông Hui và ngân hàng trung ương Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Evergrande gây bất ngờ vào tuần trước khi thoát hiểm trong gang tấc bằng cách thanh toán 83,5 triệu USD lãi trái phiếu cho các chủ nợ quốc tế trước hạn chót 23/10. Không rõ số tiền này đến từ đâu. Ngoài ra, Reuters đưa tin rằng ông Hui đã đồng ý rót tiền riêng vào một dự án khu dân cư Trung Quốc gắn với trái phiếu để đảm bảo việc hoàn thành và trái chủ được hoàn tiền.

Bài kiểm tra tiếp theo sẽ là hạn thanh toán trái phiếu ngày 29/10, khi thời gian ân hạn 30 ngày của lô nợ đó kết thúc. Đến năm 2022, Evergrande sẽ phải thanh toán khoảng 7,4 tỷ USD trái phiếu trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Hui từng rao bán cổ phần của Evergrande trong công ty con thuộc lĩnh vực xe điện và nước đóng chai nhưng đều thất bại và do vậy không giúp ích gì trong cuộc khủng hoảng thanh khoản hiện nay.

Tuần trước, Evergrande cho biết đã ngừng đàm phán việc bán công ty con dịch vụ bất động sản. Thương vụ bất thành ngay cả khi quan chức tỉnh Quảng Đông – quê nhà của Evergrande – đứng ra giúp dàn xếp, một người am hiểu tình hình cho biết.

Vào tháng 8, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc đã chỉ thị cho các công ty con trên khắp địa phương Trung Quốc giám sát nguồn vốn cho các dự án bất động sản của Evergrande trong các tài khoản ủy thác giữ đặc biệt. Dưới sự giám sát cao độ, tiền của Evergrande trước tiên phải được sử dụng cho xây dựng để đảm bảo bàn giao dự án.

Evergrande vẫn chưa hoàn thành nhà cho 1,6 triệu người mua đã đặt cọc. Doanh số bán bất động sản của tập đoàn giảm khoảng 97% trong mùa mua nhà cao điểm, càng hạn chế khả năng tạo tiền mặt.

Rắc rối của Evergrande đang ảnh hưởng đến toàn thị trường nhà đất. Niềm tin của người mua nhà đang giảm mạnh và trong tháng 9, giá nhà lần đầu tiên đi xuống trong vòng 6 năm.

Tuần trước, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ duy trì các hạn chế đối với thị trường bất động sản, mặc dù chính sách này đè nặng lên các công ty phát triển bất động sản nặng nợ.

Tuy các quan chức đã yêu cầu ngân hàng tăng tốc cho vay thế chấp lần nữa, ngân hàng trung ương đã chỉ ra rằng rủi ro lây nhiễm từ Evergrande là "có thể kiểm soát được" và khó có khả năng lây lan.

Giang

Thủ tướng giao nhiệm vụ vận động Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam cho ngành ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường