Chim báo bão: Khi công ty tốt không còn trả cổ tức
Aviva, công ty bảo hiểm thuộc hàng lớn nhất ở Anh, vừa công bố không trả cổ tức như đã dự tính cho cổ đông trong năm nay. Đây vốn là công ty yêu thích trong danh mục cổ phiếu có cổ tức cao của tôi, với lợi suất cổ tức (dividend yields) 7-8% trong 2 năm 2018 và 2019.
Nếu Aviva không quyết định hủy dự tính trả cổ tức, với mức giá hiện tại, lợi suất cổ tức là 9%. Với mức lãi tiết kiệm gần như bằng 0 hiện tại ở Anh, đây là cổ phiếu rất được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư thích mua cổ phiếu để hưởng cổ tức cao.
Theo một phân tích của Link Group, khoảng 45% số công ty niêm yết ở Anh sẽ không còn trả cổ tức trong năm nay. Tờ Financial Times chạy tít “52 tỷ bảng Anh tiền cổ tức đứng trước nguy cơ”.
Theo Link Group, 40% công ty Anh đã cắt cổ tức, tương đương 28 tỷ bảng Anh. Và họ dự đoán các công ty sẽ còn cắt thêm 24 tỷ bảng Anh cổ tức nữa.
Nhiều công ty trả cổ tức cao sẽ phải rút vào cố thủ, cắt cổ tức, thậm chí bỏ hoàn toàn cổ tức của năm 2020, để duy trì lượng tiền mặt đối mặt với cuộc khủng hoảng do các nước thực hiện giãn cách xã hội gây ra. Một loạt công ty niêm yết sẽ rơi vào trạng thái thiếu thanh khoản.
“Gom tiền mặt dự trữ” là từ khóa dễ dàng tìm thấy mấy ngày nay, khi đọc bất kỳ tờ báo kinh tế-tài chính nào của Anh, Mỹ hay Trung Quốc. Làn sóng này đặc biệt nghiêm trọng với các cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm vốn trả cổ tức khá tốt.
Điều này thì quan trọng gì cho thị trường cổ phiếu? Rất quan trọng.
Đó là vì rất nhiều khoản tiền tiết kiệm của quỹ hưu trí và của người già về hưu ở Anh bỏ vào các cổ phiếu ăn chắc mặc bền, trả cổ tức cao như Aviva.
Nay khi cổ tức bị cắt, làn sóng bán các cổ phiếu này, vốn bắt đầu từ cuối tháng 2, sẽ tiếp tục. Người ta sẽ không mua các cổ phiếu này lại ở mức giá thấp, mà sẽ ngồi quan sát sự diễn biến của nó.
Đây là những nhà đầu tư dài hạn, ăn chắc mặc bền và chủ yếu nhìn vào cổ tức. Khi họ chưa thấy triển vọng cổ tức, họ sẽ không mua thêm mà còn bán thêm.
Bạn tôi, một nhà tư vấn tài chính cho khách hàng giàu có ở Anh, lo sợ làn sóng bán tháo các cổ phiếu này sẽ còn tiếp tục sau khi công bố lợi nhuận quý I-2020. “Rất nhiều nhà đầu tư về hưu và quỹ lớn vẫn chưa bán các cổ phiếu này, mà giữ lại quan sát tình hình cổ tức” - bạn kể.
Vì vậy, khi tin tức cắt hoặc bỏ hoàn toàn cổ tức mấy ngày nay xuất hiện, tôi cảm giác đây là “con chim báo bão” của một mùa lợi nhuận quý I đầy sóng gió của năm 2020.
Trái với dự đoán của nhiều người, nhiều quỹ đầu tư thụ động và các nhà đầu tư dài hạn của cổ phiếu này vẫn đang im lặng quan sát, chưa bán dù nó đã giảm giá mạnh.
Trang tin CNBC “chỉ mặt, đặt tên” HSBC, Standard Chartered, Airbus và Rolls Royce là những cổ phiếu trả cổ tức cao đang chịu sức ép thanh lý danh mục của các nhà đầu tư chuyên đầu tư vào cổ phiếu trả cổ tức tốt trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Một số nhà đầu tư hồi giữa tháng 3 đã mua vào một số cổ phiếu trả cổ tức tốt như viễn thông, phát triển cơ sở hạ tầng và quỹ bất động sản, vì cho rằng giá cổ phiếu đã giảm mạnh, lợi suất cổ tức lên đến 9-10%.
Chiến lược này có thể phá sản nếu các công ty này công bố lợi nhuận giảm mạnh và quyết định cắt giảm, thậm chí không trả cổ tức nữa. Một đợt bán tháo các cổ phiếu thường được xem là an toàn này có thể sẽ bắt đầu xung quanh thời điểm công bố lợi nhuận.
Một điểm đáng chú ý, là khi các công ty phải nhận hỗ trợ từ chính phủ để tồn tại, việc họ phải cắt giảm lương thưởng của lãnh đạo và cổ tức cho cổ đông, gần như là điều kiện bắt buộc kèm theo để nhận tiền “cứu trợ”.
Anh chẳng thể lấy tiền nhà nước cứu trợ ở tay phải, trong khi tay trái chi tiền lương thưởng cho lãnh đạo và cổ tức cho cổ đông. Chẳng xã hội và chính trị gia nào sẽ để yên cho chuyện đó xảy ra cả.
Với nhiều công ty vay nợ lớn, họ cũng sẽ phải đảm bảo điều khoản không trả cổ tức, khi không đạt một số chỉ tiêu về lợi nhuận và thanh khoản trong các khế ước nợ (debt covenants). Nhóm này sẽ bao gồm nhiều công ty dầu khí xưa nay luôn trả cổ tức cao.
Những diễn biến này cho thấy ở mùa lợi nhuận sắp tới, cổ tức sẽ đóng vai trò như một cánh chim báo bão, chỉ ra cho nhà đầu tư thấy nơi nào là tâm bão.
Những ngành trước đây trả cổ tức tốt, đột ngột cắt giảm lợi nhuận hàng loạt và không trả cổ tức nữa, là những ngành sẽ bị tác động kéo dài của đợt suy thoái kinh tế này và sẽ không thấy một chữ V hồi phục.
Ngược lại, những công ty nào vẫn còn có thể cam kết cổ tức sẽ thu hút được dòng tiền thận trọng đổ sang. Đó là câu chuyện của thị trường Anh, Mỹ. Còn Việt Nam sẽ ra sao? Chúng ta hãy cùng quan sát.