Chiêu trò lợi dụng chính sách đổi trả của chợ mạng để chiếm đoạt hàng của người bán
Thái Nga, một thương nhân trong cộng đồng những người bán hàng trên sàn thương mại điện tử, vừa kể một tình huống mà người mua lừa cô nhờ qui định của Shopee. Theo Nga, cô chủ yếu bán hàng qua mạng xã hội, không có nhiều đơn hàng trên Shopee nên mới "sập bẫy".
Ngày 11/9, người mua đặt mua hai chai nước hoa với tổng trị giá đơn hàng 2,2 triệu đồng. Hai ngày sau, người mua khiếu nại với Shopee rằng Nga bán hàng nhái vì hai chai nước hoa không thơm như sản phẩm bên Mỹ, vỏ chai có vết xước, không có vòng cao su đen bên trong chai, ngay phía dưới vòi xịt.
Nga nói cô mua nước hoa ở Australia và có hóa đơn, song cô không biết phải lập luận thế nào khi người mua nói vỏ chai có vết xước.
"Khi tôi bán, lọ nước hoa vẫn còn nguyên trong hộp, với đầy đủ bao bì bọc nilon bên ngoài nên tôi không thể biết chai thực sự có vết xước không. Còn việc đánh giá mùi hương không bằng sản phẩm tương tự mà bạn ấy mua bên Mỹ chỉ là ý kiến chủ quan", Nga lập luận.
Sau khi xem các video về loại nước hoa cùng nhãn hiệu trên YouTube, Nga nhận ra rằng những lọ nước hoa bên Mỹ không có vòng cao su đen bên trong như người mua nói.
Vì thế, Nga liên hệ với người phụ nữ để phản biện, đồng thời chụp ảnh hóa đơn liên quan đến hai chai nước hoa cô mua ở Australia. Cô còn gửi cả email mà cô gửi cho công ty phân phối bên Australia. Trong các email đó, bên bán ở Australia khẳng định sản phẩm của họ là hàng thật.
Bất chấp nỗ lực của Nga, người phụ nữ vẫn muốn trả hàng. Lúc này Shopee đứng ra phân xử và yêu cầu Nga nộp hóa đơn đỏ.
"Lọ nước hoa của tôi có xuất xứ nước ngoài nên tôi không có hóa đơn đỏ. Shopee yêu cầu tôi gửi video quay cảnh đóng hàng nhưng tôi cũng không có. Vì chưa có kinh nghiệm nên tôi không biết rằng người bán phải quay video khi đóng hàng", Nga kể.
Rốt cuộc, Shopee đồng ý để người mua trả lại hàng và yêu cầu Nga hoàn tiền cho người mua.
Hôm 21/9, người phụ nữ trả hàng cho Nga qua dịch vụ Giao Hàng Tiết Kiệm. Khi mở gói hàng, Nga thấy một chai dưỡng thể đã hết hạn sử dụng. Khối lượng kiện hàng lúc bán và trả về không khớp.
"Khi tôi gửi hàng, nó nặng 1,3 kg, song kiện hàng người phụ nữ gửi trả có khối lượng 0,5 kg. Rõ ràng thứ họ gửi không phải hai chai nước hoa tôi bán", Nga khẳng định.
Nga đã gọi điện thoại tới người mua nhiều lần nhưng điện thoại của người mua luôn tắt máy. Vì thế, cô đã khiếu nại lên Shopee và chờ giải quyết.
4 ngày sau khi Nga nhận hàng trả lại, Shopee đã báo rằng họ sẽ không giải quyết khiếu nại vì cô vi phạm chính sách hàng nhái. Do người mua đã hoàn thành việc trả hàng, nên Shopee sẽ trả lại tiền cho người mua trong vòng 24 giờ.
"Vụ việc khiến tôi nghi ngờ một số người mua hàng có ý đồ lừa đảo, lợi dụng chính sách cho phép trả hàng, hoàn tiền của Shopee. Họ sẽ mua hàng giá trị cao, rồi kiếm cớ để trả hàng. Khi trả, họ tráo sản phẩm khác và chiếm đoạt hàng thật của người bán", Nga bình luận.
Tình hình đột ngột thay đổi vào ngày 28/9, khi Nga gửi các bằng chứng kèm ý kiến phân tích của cô tới Shopee. Sàn thương mại điện tử hướng dẫn Nga trả lại người mua mặt hàng, rồi đăng hình ảnh, chứng từ vận chuyển vào mục bằng chứng. Hôm 30/9, Shoppe kết luận Nga đã hành xử đúng và trả lại tiền đơn hàng cho cô, đồng thời khóa nick người mua.
"Qua vụ việc, tôi rút ra bài học là không nên bán hàng có giá trị cao trên Shopee. Nếu bán sản phẩm có giá trị cao, thương nhân nên quay video khi đóng gói sản phẩm để gửi cho người mua", Nga nhấn mạnh.