Hủy đơn hàng rồi nâng giá và loạt chiêu trò khuyến mãi Ngày độc thân
Chia sẻ với Zing.vn, các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki và Shopee cho biết Ngày độc thân là lễ hội mua sắm được đầu tư lớn nhất trong năm 2019. Từ 0h ngày 11/11, nhiều chương trình khuyến mãi, đồng giá, hoàn tiền... đồng loạt được triển khai.
Lazada và Tiki tăng gấp đôi lượng đơn hàng so với năm ngoái
Với chiến dịch "Mùa sale huyền thoại", Tiki ghi nhận lượng truy cập tăng gấp 3 lần so với ngày thường.
Số lượng khách hàng và đơn hàng tăng vọt gấp 4 lần
Điều này được chính Tiki nhận định là nhờ chiến lược truyền thông 360 độ. Theo ghi nhận của doanh nghiệp, họ đã tiếp cận gần nửa dân số Internet Việt Nam.
Đáng chú ý, chỉ số PDD (promised delivery date - thời gian
Các sàn thương mại điện tử ghi nhận kết quả khả quan trong Ngày độc thân 11/11 năm nay. (Ảnh: Lan Anh)
Trong khi đó, Lazada ghi nhận kỷ lục ngay trong giờ đầu tiên tại thị trường Đông Nam Á. Số lượng người mua hàng và đơn hàng đều tăng gấp đôi so với ngày 11/11/2018.
Chưa công bố số liệu cụ thể nhưng Shopee và Sendo cũng khẳng định kết quả khả quan trong chiến dịch Ngày độc thân năm nay. Đáng chú ý, chiến dịch kéo dài trong vòng 1 tuần nên các sàn đều tỏ ra lạc quan với mùa mua sắm cao điểm này.
Không chỉ sàn thương mại điện tử hưởng lợi từ các chương trình khuyến mãi Ngày độc thân. Samsung, Huggies, Lock&Lock liên tục được gọi tên là những thương hiệu bán chạy nhất trong ngày 11/11, theo thống kê từ các sàn.
"Sập bẫy" khuyến mãi?
Trái ngược với niềm vui của các trang thương mại điện tử, không ít khách hàng cảm thấy đã "sập bẫy" khuyến mãi.
Tài khoản Trần Sơn cho biết đã đặt mua một đôi giày Adidas trên Lazada với giá 1.119.900 đồng. Tuy nhiên, đơn hàng sau đó bị hủy không lý do. Sau khi đặt hàng lại, người này phát hiện giá bán đã được nâng lên 1.224.000 đồng.
Mức giá bán sau khi đặt lại cao hơn mức giá đã đặt ban đầu. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, không phải ai cũng phát hiện ra tình trạng này. Trước sức ép về thời gian và số lượng hàng khuyến mãi, người tiêu dùng không có nhiều thời gian để so sánh trước khi mua hàng.
Chi gần 2 triệu đồng để mua mỹ phẩm và quần áo trên Shopee trong ngày 11/11, chị Hạnh Dung - một nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội, cho biết: "sau khi đặt hàng và thanh toán xong, tôi mới phát hiện ra là tổng số tiền gồm cả giá sản phẩm và phí ship cao hơn so với mua ở cửa hàng trực tiếp".
Nhận định về vấn đề này, chị cho rằng số sản phẩm được giảm 50-70% không nhiều, tính ra không khác gì giá mua trong ngày thường.
Thậm chí, một số người bán còn nâng giá sản phẩm để khuyến mãi ảo, khi đó giá sau khuyến mãi chỉ thấp hơn bình thường một chút dù giảm sâu.
Trên fanpage chính thức của Shopee và Lazada, một số người dùng còn để lại bình luận chỉ trích về mức phí vận chuyển. Đa số đều bày tỏ bức xúc khi các sàn này quảng cáo miễn phí vận chuyển, nhưng thực tế chỉ giảm một số tiền nhất định.
"Ngày thường miễn phí vận chuyển, thấy còn 30.000 đồng. Bây giờ đẩy lên 50.000 đồng rồi bảo giảm 20.000 đồng thì vẫn còn 30.000 đồng. Thế thì nói miễn phí vận chuyển làm gì, vote 1 sao", tài khoản Nguyễn Trọng Thắng viết.
Bạn Hạnh Nguyễn, một sinh viên ở Long An, cũng cho biết phí vận chuyển ở Lazada quá cao nên bạn quyết định không mua.
"Mua hàng 60.000 đồng mà phí ship lên đến 150.000 đồng thì nghỉ cho lành. Tôi thấy Lazada quảng cáo khủng quá nên tò mò vào xem rồi lựa được vài món. Nhưng phí ship cao thế thì sao mua được", bạn Hạnh chia sẻ.
Trước tình trạng này, Zing.vn đã liên hệ với các sàn thương mại điện tử có liên quan nhưng chưa nhận được phản hồi.
Thực tế, các vấn đề này liên tục xảy ra trong các mùa mua sắm trước đó. Một phần nguyên nhân đến từ mô hình C2C, vì giá cả chủ yếu được đặt ra bởi người bán cá nhân.