|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sắp tới hồi kết, nhưng một mặt trận khác lại mở ra

23:32 | 15/04/2019
Chia sẻ
Mặc dù Trung Quốc và Mỹ đang tiến tới rất gần một thỏa thuận thương mại để kết thúc cuộc chiến thuế quan dai dẳng, sự hoài nghi song phương và đối đầu địa chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như vẫn leo thang.

Chính giới Mỹ tiếp tục chỉ trích ảnh hưởng tăng dần của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh sau khi chính phủ Jamaica chính thức tán thành Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh hồi cuối tuần trước.

Jamaica tham gia sáng kiến về cơ sở hạ tầng và mậu dịch của Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 11/4 bằng việc ký biên bản ghi nhớ, trở thành quốc gia tiếp theo của Vùng Caribbe tham gia sáng kiến – sau Barbados, Suriname, Trinidad & Tobago, Guyana.

Ngoại trưởng Mỹ liên tục phê phán Trung Quốc

Việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng về chính trị và kinh tế vào những nước vốn là "sân sau" của Mỹ khiến Washington nổi giận. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong vài ngày qua.

Trong chuyến công du 4 nước châu Mỹ Latinh, ông Pompeo tập trung vào vai trò của Trung Quốc đối với Venezuela và mức độ gây ảnh hưởng về kinh tế trong khu vực. Ông cáo buộc Bắc Kinh "bơm" vốn để lấy lòng các nhà lãnh đạo châu Mỹ Latinh và hành động trái với lợi ích của Washington.

Giới phân tích nhận định những lời bình luận của Pompeo đối với Trung Quốc cho thấy tiến triển mà hai nước đạt được trong tranh chấp thương mại sẽ không mở rộng sang những căng thẳng khác trong quan hệ song phương, và hai nước vẫn tiếp tục đối đầu trong tương lai.

"Với sự trỗi dậy liên tục của Trung Quốc và khao khát khôi phục sự vĩ đại của họ trên trường quốc tế, cạnh tranh và thậm chí đối đầu với Mỹ là viễn cảnh Bắc Kinh gần như không thể tránh, và châu Mỹ Latinh trở thành chiến trường mới nhất", Huang Jing, một giáo sư của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực thuộc Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, bình luận.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sắp tới hồi kết, nhưng một mặt trận khác lại mở ra - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích kịch liệt Trung Quốc trong chuyến công du một loạt quốc gia châu Mỹ Latinh trong mấy ngày qua. Ảnh: CNN

Khi tới thành phố Santiago hôm 12/4, ông Pompeo tuyên bố chính phủ Chile cũng có mối quan ngại giống Mỹ về ảnh hưởng của Trung Quốc.

"Những hoạt động thương mại của Trung Quốc thường có mối liên hệ sâu với sứ mệnh an ninh quốc gia và những mục tiêu công nghệ của họ. Bắc Kinh muốn lấy tài sản trí tuệ, ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ, can dự vào những hoạt động không mang tính kinh tế", ông lập luận.

Ông nhắc lại mối quan ngại hôm 13/4 tại Peru. "Chúng ta thường xuyên thấy kiểu ngoại giao cho vay và nợ theo kiểu thú rình mồi đã đảo ngược những tiến bộ ở châu Mỹ Latinh. Mục tiêu chung của chúng ta là chống những đề xuất của Trung Quốc và thúc đẩy sự minh bạch", ông nhấn mạnh.

Pompeo tiếp tục phê phán Trung Quốc trong chuyến thăm Paraguay, nơi ông trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên công du từ năm 1965.

"Nếu Trung Quốc cạnh tranh trên cơ sở thương mại, hành động của họ có vẻ hợp lý một cách hoàn hảo. Khi họ tới một quốc gia với ý đồ thâm hiểm – cho vay tiền với hàng loạt điều kiện có thể phá hoại chủ quyền của một quốc gia Nam Mỹ - đó không phải điều tốt cho người dân của đất nước ấy. Mỹ đã chuẩn bị giúp những quốc gia nhận ra mối họa và đưa ra giải pháp để đối phó", ông phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Mỹ ở Paraguay – quốc gia Nam Mỹ duy nhất không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, hôm 13/4.

Đương kim Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Washington không muốn Trung Quốc tới các quốc gia và đưa thiết bị của Huawei hay công nghệ của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của những nước đó để lấy cắp thông tin cá nhân của công dân.

Học giả Trung Quốc lo ngại thái độ của Pompeo

"Dựa trên sự quan sát của tôi về quan hệ tay ba giữa Trung Quốc, Mỹ và châu Mỹ Latinh trong một thập niên qua, mối lo ngại của Washington đối với sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc đang tăng nhanh", Jiang Shixue, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Mỹ Latinh thuộc Đại học Thượng Hải, bình luận.

Dong Jingsheng, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Mỹ Latinh của Đại học Bắc Kinh, cũng nhận định những lời lẽ của Ngoại trưởng Pompeo nhất quán với thái độ khó chịu với Trung Quốc ở Washington. Theo ông, mặc dù Bắc Kinh luôn khẳng định họ không có ý định đe dọa vị thế thống trị của Mỹ trên khắp hành tinh, mọi người đều hiểu lý do Mỹ cảm thấy bất an bởi một Trung Quốc đang phát triển, trở thành đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất đối với nhiều quốc gia ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribbe.

"Trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ rơi xuống mức thấp kỷ lục và căng thẳng vượt ra khỏi tranh chấp thuế quan, việc Mỹ liên tục nhắc tới mối họa từ Trung Quốc ở Mỹ và các khu vực khác là điều dễ hiểu", Dong phân tích.

Cả Dong và Huang đều nhấn mạnh rằng – giống như phần lớn kênh đối thoại chính thức giữa Trung Quốc và Mỹ - cơ chế tham vấn chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề châu Mỹ Latinh đã tạm ngừng hoạt động dưới thời của Tổng thống Donald Trump.

Huang nhận định giới cầm quyền ở Washington cảm thấy không an toàn trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, dẫn tới những nỗ lực tạo liên minh để ngăn chặn Bắc Kinh trong bối cảnh vai trò dẫn dắt của Mỹ trên toàn thế giới giảm do chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Trump.

"Khác với Trump, Ngoại trưởng Pompeo đại diện cho quan điểm của đa số đảng viên Cộng hòa và chúng ta phải xem xét nghiêm túc những lời bình luận hiếu chiến của ông đối với Trung Quốc", Huang nói.

Nhạc Dương