|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chiến lược tài chính cho các phụ huynh trong mùa dịch COVID-19

10:00 | 23/03/2020
Chia sẻ
Vấn đề đặt ra cho các bậc phụ huynh, những người đang phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi phức tạp về cách nuôi dạy con khi trường học đóng cửa, chính là tiền bạc và tài chính.

COVID-19 đang làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và phá hủy nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới. Nhiều công ty đã gửi thông báo yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà vô thời hạn. Vấn đề đặt ra cho các bậc phụ huynh - những người đang phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi phức tạp về cách nuôi dạy con khi trường học đóng cửa chính là tiền bạc và tài chính.

Vì vậy, việc xác định được kế hoạch chuẩn bị tài chính cho thời gian dài khó khăn trước mắt là hết sức quan trọng. Phân chia thời gian và các nguồn lực để vừa đáp ứng nhu cầu gia đình vừa đảm bảo sự phát triển lành mạnh của con chưa bao giờ dễ dàng.

Các bậc phụ huynh phải đối mặt thực tế là chúng ta đang ở trong thời khủng hoảng. COVID-19 thực sự là một thách thức với các bậc phụ huynh, đặc biệt với những gia đình có thu nhập trung bình. Các chuyên gia Harvard Business Reviews đã gợi ý 5 giải pháp tài chính cho mùa đại dịch.

Trao đổi thẳng thắn với nhà quản lí

Người quản lí có thể tin rằng họ đã chuẩn bị đầy đủ hệ thống theo dõi và giám sát các nhân viên làm việc từ xa cũng như cách tính lương mới. Tuy nhiên, họ có thể không nhận thức đầy đủ được sự phức tạp liên quan đối với các bậc phụ huynh.

Giờ là thời điểm thích hợp để trao đổi thẳng thắn. Điều này sẽ có lợi cho bạn, người quản lí và chính con của bạn. Trước khi bắt đầu trao đổi, hãy hiểu rằng cả bạn và sếp đều phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, bất ngờ và đầy biến động trong thời gian tới.

Hãy tìm cách thấu hiểu những kì vọng của sếp thông qua những câu hỏi chi tiết cụ thể về công việc. Mục tiêu của bạn là xác định phương án có lợi cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ cho cá nhân bạn.

Những cuộc trò chuyện này không nên bắt đầu bằng quá nhiều lời than phiền hay yêu cầu cho gia đình bạn. Suy nghĩ tổng bằng không (tốt cho tôi, xấu cho sếp) chỉ dẫn đến thất bại và gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ trong thời kì khủng hoảng.

Chiến lược tài chính cho các phụ huynh trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: HBR).

Thống nhất với bạn đời về các vấn đề tài chính

Ngay cả trong những điều kiện tốt nhất, việc phân chia trách nhiệm chăm sóc con cái, việc nhà và tài chính vẫn gây ra rất nhiều căng thẳng và rắc rối cho các cặp vợ chồng. Ngay cả với những gia đình có điều kiện tài chính, chăm sóc con em tại nhà khi trường học đóng cửa dài ngày cũng không dễ dàng.

Trong bối cảnh mọi thứ đều khó khăn và không xác định như hiện nay, bạn có thể cần phải điều chỉnh lịch trình làm việc để phù hợp các con, lựa chọn những dịch vụ phù hợp với điều kiện tài chính mới. Quan trọng nhất, điều này phải có được sự thống nhất từ bạn đời.

Tận dụng triệt để công nghệ

Với khả năng nhiều người (cả người lớn và trẻ em) sẽ phải ở nhà trong một thời gian dài, hãy xem xét tận dụng triệt để công nghệ hiện đại để mọi thứ dễ dàng hơn.

Đối với trẻ nhỏ, hãy chấp nhận rằng việc phải để con xem TV nhiều hơn khi bạn làm việc có thể là phương án đối phó tạm thời. Đối với trẻ lớn hơn, hãy chuẩn bị cho con đủ phương tiện để học tập tại nhà một cách tốt nhất. 

Nếu bạn không có đủ thiết bị hay điều kiện công nghệ, hãy xem xét tối ưu những phương tiện sẵn có. Ngoài ra, nếu bạn không phải là một người thông thạo về công nghệ, đã đến thời điểm học các thao tác cơ bản để không bỡ ngỡ.

Nhận sự hỗ trợ từ người thân

Ngạn ngữ phương Tây nói rằng phải cần đến cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Việc chăm sóc trẻ em (tùy thuộc vào điều kiện kiểm dịch từng khu vực) hiện nay đều có khó khăn nhất định. Hãy xem xét các hoạt động sáng tạo để giữ cho con được giải trí hoặc dạy trẻ cách mua sắm.

Đây cũng là thời điểm bạn không thể có nhiều hoạt động bên ngoài nên cũng là thời gian lí tưởng để tiết kiệm tiền bạc, dạy con các kĩ năng thủ công tại nhà hoặc tâm sự và trò chuyện nhiều hơn.

Luôn có tầm nhìn xa

Là phụ huynh, chúng ta còn có trách nhiệm đồng hành cùng con và bạn đời vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Bạn có thể nhìn nhận nó như một cơ hội để tìm ra những gì quan trọng nhất và cách hợp tác với nhau hiệu quả. Cuộc khủng hoảng có thể là cơ hội để gắn bó với nhau nhiều hơn.

Các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể dạy con những bài học quan trọng về giá trị của tài chính và cuộc sống trong tương lai gần cũng như kĩ năng chuẩn bị cho những dịch bệnh có thể xảy ra.

Thu Phương