|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những điều khiến hồ sơ của bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

08:00 | 15/03/2020
Chia sẻ
Bạn muốn gây chú ý với nhà tuyển dụng bằng cách nêu bật các kĩ năng và kinh nghiệm của mình nhưng lại không muốn làm họ "bội thực" với quá nhiều thông tin. Chìa khóa để đạt được sự cân bằng mà vẫn khiến hồ sơ nổi bật là liệt kê các kĩ năng thực sự phù hợp với vị trí ứng tuyển.

Vicki Salemi, một chuyên gia về nghề nghiệp tại Monster từng chia sẻ: "Một sơ yếu lí lịch tốt là đã bước một chân trong cửa", theo CNN.

Một profile được thiết kế tỉ mỉ làm nổi bật các kĩ năng quan trọng cho vị trí ứng tuyển cùng những thành tích hoặc kinh nghiệm cụ thể sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và giúp bạn vượt qua.

Xác định kĩ năng quan trọng

Cách hiệu quả nhất để điều chỉnh sơ yếu lí lịch của bạn sao cho phù hợp với vị trí ứng tuyển là xác định các kĩ năng quan trọng được liệt kê trong mô tả công việc và làm nổi bật chúng trong đơn xin việc của bạn. 

Ngoài ra, hãy đảm bảo bạn đã nhấn mạnh chúng bằng việc sử dụng từ ngữ yêu cầu trong mô tả công việc. Điều này sẽ giúp hồ sơ của bạn vượt qua vòng sàng lọc đầu tiên khi nhiều công ty chỉ lướt qua những từ khóa thay vì đọc quá kĩ.

Thông thường các công ty sẽ liệt kê các kĩ năng và trách nhiệm quan trọng nhất cần cho công việc trước tiên, vì vậy hãy nhấn mạnh những yếu tố này trong profile của bạn. Tất nhiên, hãy chỉ làm nổi bật những thứ mà bạn thực sự sở hữu và không nói dối.

Nếu mô tả công việc hơi mơ hồ, bạn có thể liên hệ với bộ phận nhân sự ở công ty tuyển dụng hoặc hỏi những người làm việc trong ngành về các kĩ năng cần thiết cho vị trí đó, hoặc tìm các mô tả công việc tương tự và tập trung vào những từ khóa quan trọng.

Cân bằng giữa kĩ năng cứng và kĩ năng mềm

Hãy đảm bảo bạn có sự kết hợp của cả hai loại kĩ năng trong sơ yếu lí lịch của mình. Kĩ năng mềm là một chuỗi những hành vi và đặc điểm tính cách mà bạn sử dụng hàng ngày, từ hợp tác đến giải quyết vấn đề. Trong khi đó, kĩ năng cứng lại chính là những kinh nghiệm cụ thể theo nghiệp vụ, chức năng trong vai trò của bạn. 

Cả hai đều rất quan trọng. Nhà tuyển dụng vừa muốn thuê một người đủ năng lực cho vị trí còn thiếu và họ cũng muốn biết liệu bạn có phù hợp với văn hóa chung hay không. "Khi những ứng viên có hồ sơ tương tự nhau, người phỏng vấn thường sẽ chọn ứng viên phù hợp hơn", Salemi nói.

Steve Arneson, tác giả cuốn "Những gì sếp muốn từ bạn" khuyên ứng viên hãy liệt kê giới hạn từ 6 đến 8 kĩ năng. Nếu muốn trình bày nhiều hơn, hãy lồng ghép các kĩ năng mềm của bạn vào những kinh nghiệm chuyên môn.

Luôn kèm theo bằng chứng

Đừng chỉ gửi một bản lí lịch với một danh sách tên các kĩ năng và chức danh công việc. Bạn cần phải chứng minh chúng bằng các ví dụ cụ thể.

Khi bạn mô tả một vai trò của mình trong quá khứ, hãy nêu bất kì một thành tựu nào có liên quan. "Cách tốt nhất để làm điều này là định lượng nó hoặc kể một câu chuyện thực tế", chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Amanda Augustine cho biết.

Ví dụ, nếu bạn nói rằng bạn là một nhân viên bán hàng hiệu quả, bạn nên đưa vào việc bạn đã đạt danh hiệu "Nhân viên bán hàng của tháng" hay bạn đã tăng doanh số của mình như thế nào bằng một con số nhất định.

Bạn cũng nên giới thiệu mỗi kĩ năng của bản thân bằng một động từ chủ động như "phân tích", "tổ chức", "tạo ra" hay "phát triển" để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.

Phát triển các kĩ năng còn thiếu

Đừng nản lòng nếu bạn thiếu một số kĩ năng nhất định quan trọng cho vị trí bạn đang ứng tuyển. Thay vào đó, hãy làm việc để phát triển chúng.

Ví dụ, nếu bạn đang ứng tuyển vào một vị trí tại bệnh viện, hãy thử dùng các bản demo trực tuyến miễn phí rèn luyện các kĩ năng mềm như lên lịch cho bệnh nhân, hoặc tham gia các khóa học online trên các trang web như LinkedIn Learning hoặc Coursera cho vị trí này.

Các kĩ năng chuyên môn sẽ dễ học hơn, nhưng kĩ năng mềm cũng có thể được phát triển theo thời gian, chỉ cần bạn có một cách tìm hiểu chúng hiệu quả và thể hiện được điều đó trong sơ yếu lí lịch của bạn.

Ngọc Huyền