|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến lược gia Bank of America nêu lý do chứng khoán Mỹ vẫn sẽ tăng điểm dù Fed không giảm lãi suất

17:12 | 14/02/2024
Chia sẻ
Theo chiến lược gia Savita Subramanian của Bank of America, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2024 mà không cần Fed hạ lãi suất.

Chiến lược gia của Bank of America cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2024 mà không cần Fed hạ lãi suất. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Theo Markets Insider, các nhà đầu tư có thể sẽ phải thất vọng khi họ vẫn tiếp tục kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất 5 lần trong năm nay, mỗi lần 25 điểm cơ bản.

Các quan chức Fed chỉ dự định thực hiện khoảng ba đợt giảm lãi suất. Tuần trước, một số nhà kinh tế, chẳng hạn như ông David Doyle của ngân hàng Macquarie, còn cho rằng Fed sẽ chỉ hạ chi phí đi vay hai lần trong năm 2024.

Hơn nữa, trên thực tế là ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ không cắt giảm lãi suất nếu lạm phát không tiếp tục giảm về mức mục tiêu 2%.

Tuy vậy, theo chiến lược gia Savita Subramanian của Bank of America, kịch bản không có đợt giảm lãi suất nào không hẳn là tin xấu đối với thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong một ghi chú công bố hồi đầu tuần này, ông Subramanian nói thị trường vẫn còn dư địa tăng điểm bất kể Fed làm gì trong năm nay.

“Theo quan điểm của chúng tôi, miễn là Fed không tăng lãi suất trở lại, cổ phiếu vẫn có tiềm năng tăng giá, đặc biệt là cổ phiếu của những doanh nghiệp có nhiều tiền mặt ròng...”, vị chiến lược gia cho hay.

Kịch bản Fed giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài sẽ có lợi cho các công ty vốn hoá lớn nắm giữ nhiều tiền mặt, vì họ có thể kiếm lời đáng kể từ lãi suất. Ông Subramanian nói khoảng 1/3 doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 có tiền mặt ròng.

Song, không chỉ các công ty có nhiều tiền mặt trên bảng cân đối kế toán mới được hưởng lợi từ việc ngân hàng trung ương Mỹ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Ông Subramanian cho biết: “Cần lưu ý rằng những người Mỹ về hưu đang được hưởng lợi từ tiền mặt và xu hướng tiêu dùng ở nhóm người có thu nhập thấp đến trung bình đang được hỗ trợ bởi một thị trường lao động vẫn còn bị thắt chặt”.

Vì vậy, nhìn chung, nếu nền kinh tế số một thế giới vẫn đứng vững và dù Fed không thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất như kỳ vọng của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán vẫn sẽ hoạt động tốt.

Khả Nhân

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).