|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chi phí logistics tăng cao, các nhà nhập khẩu lương thực lao đao

07:14 | 13/07/2021
Chia sẻ
Bão giá ngũ cốc và chi phí vận chuyển trên toàn cầu khiến các nhà nhập khẩu lao đao, giảm lượng mua. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ lạm phát lương thực vốn ở mức cao trong vài thập kỷ.

Theo Reuters, bão giá ngũ cốc và chi phí vận chuyển trên toàn cầu gia tăng nguy cơ lạm phát lương thực vốn ở mức cao trong vài thập kỷ. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng ở các thị trường có nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu.

Theo nguồn tin trong ngành vận tải biển, trong tuần này giá cước tàu biển vận chuyển ngũ cốc và hạt dầu từ trung tâm sản xuất ở châu Mỹ và Biển Đen tới các nước nhập khẩu lớn đều đồng loạt tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phin Ziebell, chuyên gia kinh tế mảng nông nghiệp tại Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết: "Chi phí vận tải trở thành thách thức lớn trong bối cảnh giá ngũ cốc tăng mạnh.

Trong nhiều năm, người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ giá ngũ cốc và logistics thấp. Tuy nhiên, đà tăng chi phí vận chuyển sẽ không có dấu hiệu chấm dứt ngay lập tức".

Hiện giá vận chuyển ngũ cốc từ Australia đến các nước trong khu vực Đông Nam Á tăng lên 30 USD/tấn, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí logistics từ các nước Tây Bắc Thái Bình Dương sang châu Á tăng lên 55 USD/tấn, so với mức 25 USD/tấn của năm ngoái.

Cước vận chuyển lúa mì bằng đường thủy từ Biển Đen đến châu Á cũng chạm ngưỡng 65 USD/tấn, so với khoảng 35 USD/tấn của năm ngoái.

Bão giá logistics các nhà nhập khẩu lương thực lao đao - Ảnh 1.

Giá lương thực tăng do giá xăng dầu tăng mạnh và quá trình vận chuyển bị gián đoạn (Ảnh: Reuters, Việt hóa: Hoàng Anh)

Một thương nhân tại công ty môi giới hàng đầu ở Singapore cho biết: "Chi phí nhiên liệu (giá xăng dầu) tăng cộng với chi phí vận chuyển đẩy giá ngũ cốc tăng theo.

Chưa kể, chúng tôi phải đối mặt với các yêu cầu kiểm dịch COVID-19 khắt khe khiến quá trình vận chuyển hàng hóa chậm hơn bình thường".

Các chuyên gia cho biết giá lương thực thế giới vào tháng 5 đã đạt mức tăng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa tăng theo. Điều này đặt ra thách thức mới cho các nhà nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng cố gắng giữ mức lạm phát trong tầm kiểm soát khi một số nền kinh tế lớn mở cửa trở lại sau các đợt giãn cách, phong tỏa vì dịch bệnh COVID-19.

Các chuyên gia dự báo giá của các loại ngũ cốc như ngô và đậu tương sẽ tiếp tục tăng cao và biến động liên tục cho đến khi các nước ở Bắc bán cầu kết thúc mùa vụ.

Bão giá logistics các nhà nhập khẩu lương thực lao đao - Ảnh 2.

Biểu đồ biến động giá lương thực trên thế giới (Ảnh: Reuters, Việt hóa: Hoàng Anh)

Hiện, giá ngô giao sau ở Chicago tăng khoảng 90% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh và mất mùa ở Mỹ.

Trong khi giá đậu tương tăng hơn 50%, lúa mì tăng 30% sau khi hạn hán làm giảm sản lượng ở Brazil, nước có diện tích trồng lớn trên thế giới.

Tác động kép của giá ngũ cốc và cước vận chuyển tăng cao đang khiến các nhà nhập khẩu ở châu Á, khu vực tiêu thụ ngũ cốc hàng đầu thế giới. 

Chỉ riêng Trung Quốc chiếm hơn một nửa sản lượng xuất khẩu đậu tương của thế giới và Nhật Bản là một trong những quốc gia nhập khẩu nhiều ngô nhất thế giới.

Đối với Indonesia, thị trường nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới, hiện chi phí cho một chuyến hàng 50.000 tấn từ Biển Đen về Indonesia tăng ít nhất 4 triệu USD so với một năm trước, chạm mức 15 triệu USD. Trong đó riêng chi phí vận chuyển đã tăng tới 1,5 triệu USD.

Theo giới phân tích thị trường lương thực thế giới, biến động giá lương thực cũng là thách thức lớn. Giá ngô giao sa tăng hơn 10% trong tuần cuối cùng của tháng 6, trước khi giảm 10% vào tuần sau đó do các bản tin dự báo thời tiết làm thay đổi tâm lý thị trường.

"Chúng tôi chưa từng chứng kiến sự sụt giảm tiêu thụ với mức giá cao như vậy. Rất khó để định vị trong thị trường biến động như thế này khi các nhà chế biến đang giảm lượng mua", giám đốc một công ty nhập khẩu bột mì đa quốc gia hoạt động trên khắp Đông Nam Á cho biết. 

Hoàng Anh