Chỉ huy tàu sân bay hùng mạnh của Mỹ ở vùng Vịnh là người gốc Iran
Theo New York Times, thuyền trưởng Kavon Hakimzadeh sinh ra tại bang Texas, Mỹ. Cha ông là người Iran, mẹ là người Mỹ. Không lâu sau khi ông ra đời, cả nhà chuyển đến sống ở Iran.
Năm ông 11 tuổi cũng là khi cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra. Nhà vua thân Mỹ Mohammed Reza Pahlavi bị lật đổ, Giáo sĩ Ayatollah Khomeini trở về sau thời gian bị lưu đày và trở thành lãnh đạo tối cao của Iran.
Cả nhà Hakimzadeh liền bỏ chạy đến thành phố Hattiesburg, bang Miss nước Mỹ. Ông nhập ngũ vào Hải quân Mỹ năm 1987 và giành học bổng ROTC. Sau khi tốt nghiệp đại học Carnegie Mellon, ông trở thành sĩ quan làm việc trên một chiếc máy bay trinh sát cảnh báo sớm E-2 Hawkeye của Hải quân Mỹ.
Trong đời binh nghiệp 33 năm của mình, Thuyền trưởng Hakimzadeh đã 8 lần làm nhiệm vụ trên các tàu sân bay khác nhau, thực hiện các phi vụ bay qua Iraq và Afghanistan và được tặng nhiều huân chương.
Giờ đây, Thuyền trưởng Hakimzadeh đang chỉ huy tàu sân bay Harry S. Truman - một trong những hệ thống vũ khí đáng sợ nhất thế giới, cao tương đương 20 tòa nhà, chạy bằng năng lượng hạt nhân và treo một lá quân kì với dòng chữ "Cho kẻ thù nếm đủ". (Thuyền trưởng là một quân hàm của Hải quân Mỹ, tương đương cấp Đại tá trong Lục quân).
40 năm sau khi rời khỏi Iran, Thuyền trưởng Hakimzadeh quay lại vùng Vịnh Ba Tư cùng với toàn bộ lực lượng hùng hậu dưới quyền mình. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran liên tục leo thang nguy hiểm những ngày gần đây sau cái chết của tướng Soleimani, Thuyền trưởng Hakimzadeh và đơn vị của ông đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Chiếc Harry S. Truman có thể nhanh chóng đưa hàng chục máy bay phản lực hiện đại cất cánh mang theo kho vũ khí gồm bom và tên lửa tối tân. Tàu sân bay này như một thành phố nổi trên mặt biển với đầy đủ nhà ăn, tiệm cắt tóc, phòng tập thể dục … cho hơn 5.000 thủy thủ sống và làm việc.
Trả lời phỏng vấn tờ Virginian-Pilot, Thuyền trưởng Hakimzadeh cho biết ông hi vọng sự thăng tiến của ông từ một đứa trẻ nhập cư lên chỉ huy tàu sân bay sẽ cho mọi người thấy nước Mỹ coi trọng sự tận tâm và chăm chỉ ở mỗi người chứ không phân biệt đối xử với ai.
Trong quân đội Mỹ có không ít người nhập cư gốc Iran. Một trong số đó là Assal Ravandi – một nữ phân tích viên tình báo của Lục quân Mỹ giai đoạn 2010-2014 và từng nhận nhiệm vụ tại Afghanistan.
"Vì xuất thân của mình, những người Mỹ gốc Iran như chúng tôi rất nhiệt huyết trong chiến đầu giành lại tự do và chúng tôi muốn đóng góp theo mọi cách có thể", cô Ravandi chia sẻ.
Khi gặp đến hàng chục người Mỹ gốc Iran mặc bộ quân phục Mỹ, cô Ravandi đã rất ngạc nhiên. "Một số người trong chúng tôi muốn bù đắp lại những điều mà chúng tôi không được làm ở quê nhà. Một số khác muốn sử dụng khả năng ngôn ngữ của mình làm vũ khí để chống lại chế độ độc tài".