|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Âu đối mặt với nguy cơ phi công nghiệp hóa

01:25 | 07/10/2022
Chia sẻ
Hiệp hội kim loại màu châu Âu Eurometaux xác nhận 50% công suất nhôm và kẽm của EU đã mất đi do khủng hoảng điện năng, với sự cắt giảm đáng kể trong sản xuất silic và sắt.

Một cơ sở khai thác khí đốt gần Garelsweerd, tỉnh Groningen, Hà Lan. (Ảnh: TTXVN)

Các doanh nghiệp châu Âu đang buộc phải giảm hoặc dừng sản xuất và thay vào đó chuyển dịch đầu tư sang Mỹ để cắt giảm chi phí trong bối cảnh giá năng lượng tăng.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng giá năng lượng tăng trong thời gian dài có thể làm xói mòn cấu trúc công nghiệp tại châu Âu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ở châu Âu đóng cửa cùng với di chuyển đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ phi công nghiệp hóa tại đây. Giá năng lượng phi mã đã gây thiệt hại nặng nề cho họ.

Nhà sản xuất nhôm Aldel đã quyết định ngừng sản xuất nhôm sơ cấp vì giá điện tăng cao. Nhà sản xuất phân bón Yara Sluiskil (Hà Lan) đã đóng cửa nhà máy phân bón.

Ngân hàng Rabobank có trụ sở tại Hà Lan cho biết các công ty có nhu cầu năng lượng, ví dụ như các công ty trong ngành hóa chất, giấy, gia công kim loại, cao su và nhựa, sẽ buộc phải giảm hoặc ngừng sản xuất trong tương lai.

Ông Nicolas de Warren, Chủ tịch liên đoàn các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tại Pháp Uniden, cho biết do giá năng lượng tăng đột biến, các công ty sử dụng nhiều năng lượng ở Pháp không có khả năng sản xuất các sản phẩm với giá cả cạnh tranh.

Hiệp hội kim loại màu châu Âu Eurometaux xác nhận 50% công suất nhôm và kẽm của EU đã mất đi do khủng hoảng điện năng, với sự cắt giảm đáng kể trong sản xuất silic và sắt.

Ngành sản xuất đồng hay niken cũng cảm nhận tác động tương tự. Trước tình trạng này, dòng vốn đầu tư từ châu Âu sang Mỹ lại tăng lên.

Theo truyền thông Đức, hãng hàng không Lufthansa, tập đoàn đa quốc gia Siemens, chuỗi siêu thị Aldi và công ty chăm sóc sức khỏe Fresenius, 4 trong số hơn 60 công ty Đức ở Oklahoma (Mỹ), đã cùng đầu tư thêm 300 triệu USD vào bang này.

Ngành sản xuất ôtô Đức cũng để mắt đến thị trường Mỹ. Hồi tháng 6, hãng sản xuất ôtô Volkswagen đã đặt thành lập một phòng thí nghiệm pin mới ở bang Tennessee và cam kết khoản đầu tư 7,1 tỷ USD với các nhà cung cấp ở Bắc Mỹ đến năm 2027. Đối thủ khác như Mercedes-Benz và BMW cũng có bước đi tương tự.

Không chỉ vậy, dược phẩm cũng là lĩnh vực tiềm năng. Hãng dược Bayer của Đức đã đầu tư 100 triệu USD vào một trung tâm công nghệ sinh học ở Boston, bang Massachusetts.

Tập đoàn hóa chất Evonik Industries AG đã thành lập một trung tâm đổi mới ở Pennsylvania và cam kết đầu tư hơn 200 triệu USD vào một cơ sở sản xuất ở Indiana. 3,9 tỷ USD là khoản tiền đầu tư mà tập đoàn hóa chất hạng nặng BASF cam kết "rót" vào Bắc Mỹ đến năm 2026.

Theo Hiệp hội phát triển kinh tế Virginia, số lượng các công ty Đức có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại bang này đã tăng từ 2 doanh nghiệp trong năm 2021 lên 6 doanh nghiệp trong năm nay.

Theo ông John Bryson, Giáo sự tại Đại học Birmingham, sự thay đổi về quy mô các dòng đầu tư từ châu Âu sang Mỹ một phần là do việc Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) nâng mạnh lãi suất dẫn tới khoảng cách ngày càng rộng giữa tỷ lệ lãi suất của châu Âu và Mỹ.

Nếu giá nhiên liệu đứng ở mức cao trong thời gian dài, viễn cảnh các doanh nghiệp từ bỏ Đức để mở rộng sản xuất sang nước khác là hoàn toàn có thể xảy ra.

Việc chuyển dịch sản xuất này có thể khiến Đức mất lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Ông Nicolas de Warren cảnh báo châu Âu có thể chứng kiến các ngành công nghiệp kim loại, hóa chất, thủy tinh, gốm sứ và giấy của họ sụp đổ theo thời gian.

TTXVN