|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu có lợi ích gì khi mua chung khí đốt

08:15 | 14/05/2023
Chia sẻ
Mua chung khí đốt có thể giúp những người mua, đặc biệt là những nước không có kinh nghiệm, kỹ năng hoặc sức mua hạn chế, trong quá trình đàm phán trực tiếp với các nhà nhập khẩu khí đốt.

Hệ thống đường ống tại trạm OGE, một trong những trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu, ở Werne, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ tuần trước, châu Âu có cơ hội yêu cầu cung cấp khí đốt tự nhiên dựa trên việc sử dụng một nền tảng châu Âu duy nhất được gọi là mua chung. Ủy ban châu Âu cũng như một số quốc gia thành viên thậm chí hứa hẹn đảm bảo an ninh hơn về nguồn cung và giảm giá khí đốt từ cơ chế này. Với niềm tin rằng, tổng cầu lớn sẽ giúp giảm giá mua nhiên liệu.

Ý tưởng mua chung được đưa ra nhằm hạn chế các hợp đồng bất lợi cho các nước Đông Âu, đã được Ba Lan thúc đẩy ngay từ năm 2014. Vào thời điểm đó, khái niệm này vẫn chưa được phổ biến. Tuy nhiên, vào năm 2022, tình hình trên thị trường khí đốt châu Âu trở nên xấu đi đối với tất cả các nước và do đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề xuất của riêng mình.

Việc mua chung có thể giúp những người mua, đặc biệt là những nhà sản xuất không có kinh nghiệm, kỹ năng hoặc sức mua hạn chế trong đàm phán trực tiếp với các nhà nhập khẩu khí đốt để có được vị trí thuận lợi hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể đảm bảo việc mua xăng thường xuyên và không phụ thuộc nhiều vào giá chào hàng giao ngay như năm ngoái. Tuy nhiên, câu hỏi chính vẫn là điều này sẽ mang lại lợi ích gì cho phía cung cấp, những nhà cung cấp nào sẽ bán hàng với hình thức này và với số lượng bao nhiêu.

Việc tổng hợp nhu cầu sẽ diễn ra thành nhiều đợt trong năm 2023, đặc biệt là trong giai đoạn mùa Đông 2023-2024. Sau đó, hợp đồng cần được ký kết với thời hạn dài hơn 12 tháng. Nếu yêu cầu về thời hạn hợp đồng không được đáp ứng, khái niệm thực sự đảm bảo nguồn cung ổn định lâu dài cũng có nguy cơ bị suy yếu đáng kể. Hơn nữa, điều đó cũng sẽ không giúp ích gì cho việc bắt đầu phát triển các nguồn khí đốt mới cho khách hàng châu Âu.

Trong tình huống EU mất đi nhà cung cấp khí đốt lớn nhất là Nga, cung cấp tới 40% lượng nhập khẩu, thì phía nguồn cung tiềm năng đã bị suy yếu đi đáng kể. Việc cố gắng mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ thị trường thế giới chỉ có nghĩa là châu Âu đang lấy đi nguồn cung cho một nơi khác, và do đó sẽ làm giá nhiên liệu tăng chứ không giảm.

Nếu muốn trở thành một công cụ để giảm giá xăng, thì cơ chế mua chung này chỉ có thể thành công nếu cho phép các nhà cung cấp cạnh tranh hơn tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, nếu nhu cầu về khí đốt cao hơn nguồn cung, thì quyền quyết định vẫn nằm trong tay người bán. Thậm chí, trong trường hợp tổng cung đáp ứng được cho nhu cầu hiện tại, cách duy nhất để xác định giá là tham khảo giá khí đốt trên thị trường thế giới. Tức là, cung và cầu quyết định luôn là các yếu tố chính quyết định vấn đề giá cả.

Bên cạnh đó, cũng chưa rõ các doanh nghiệp kinh doanh khí đốt lớn sẽ đóng vai trò gì trong toàn bộ quá trình mua chung này. Ví dụ, tập đoàn Uniper của Đức đã cho biết, họ đang xem xét tham gia vào cơ chế này, nhưng chưa rõ họ sẽ đóng vai trò gì, OMV của Áo hoặc một số công ty khác cũng muốn tham gia.

Ngoài các nhà cung cấp và người mua, những “người mua số lượng lớn” như các tập đoàn lớn, họ sẽ có thể thương lượng hợp đồng thay mặt cho người tiêu dùng cá nhân hoặc nhóm, được cho là một phần, có lẽ sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Những người này này cũng có thể chịu rủi ro tín dụng liên quan đến giao dịch.

Lợi ích của việc mua chung chủ yếu có thể là làm dịu một phần thị trường do thực tế là ngay cả những thương nhân ít kinh nghiệm và người tiêu dùng lớn sẽ không phụ thuộc vào nhiều vào mua chung để cung cấp. Vì rất có thể những người này sẽ tiếp tục mua thông qua một bên trung gian, thậm chí với mức giá rẻ hơn đáng kể việc mua chung.

Rõ ràng là các nước EU hiện nay cần có được đảm bảo cung cấp khí đốt ổn định trong một hoặc hai thập kỷ tới. Tức là giai đoạn tới, ngành công nghiệp sản xuất điện và sưởi ấm sẽ tiêu thụ ngày càng nhiều khí đốt, đặc biệt là khí đốt tự nhiên.

Việc ngừng sử dụng các nguồn năng lượng than và hạt nhân sẽ khiến châu Âu không có thời gian để lấp đầy khoảng năng lượng thiếu hụt này, cho dù EU đang đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo.

Vì thế, các nguồn khí đốt sẽ đóng một vai trò quan trọng và châu Âu phải cố gắng duy trì hoạt động của hệ thống năng lượng của họ, mặc dù phải mua với giá cả tăng cao và hệ thống năng lượng gần như sắp sụp đổ vào năm ngoái.

Do đó, việc mua chung của châu Âu nên cho thấy tham vọng cao hơn và xa hơn so với những mục đích như mô tả ở trên. Nền tảng tổng hợp nhu cầu sẽ cho thấy nhu cầu của nền kinh tế châu Âu, điều này sẽ cho phép thực hiện các dự án mới với các đối tác, cho dù ở Mỹ, Bắc Phi, Azerbaijan, Na Uy hay Qatar.

Tất cả các nhà sản xuất này đang chờ đợi khả năng cung cấp lượng khí đốt ổn định cho EU. 
Tuy nhiên, để đổi lấy giá thấp hơn, có một cam kết mua trong ít nhất 15 năm, thường liên quan đến chi phí phát triển năng lực khai thác như công ty RWE của Đức đã ký một hợp đồng như vậy tại Qatar vào năm ngoái với thời hạn từ 2026 đến 2041.

Theo đó, công suất sản xuất LNG tại Qatar, sẽ tăng dần từ gần như bằng 0 lên 92 tỷ m3 khí đốt vào năm 2028. Đây mới nên là mục đích chính của nền tảng mua sắm chung.

Chỉ cung cấp khí đốt cho mùa Đông tới, hoặc hợp đồng tối đa 12 tháng, sẽ không mang lại lợi ích đáng kể cho châu Âu. 

Việt Dũng