|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá khí đốt giảm xuống đáy gần 2 năm, kích thích nhu cầu của các nước châu Á

12:30 | 14/04/2023
Chia sẻ
So với cuối năm 2022, giá khí LNG giao ngay giảm 67% và cũng giảm tới 82,3% so với mức cao kỷ lục 70,5 USD thiết lập hồi tháng 8 năm ngoái. Điều này kích thích nhiều quốc gia Châu Á nhập khẩu trở lại.

Theo Reuters, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay rẻ hơn đang thu hút những khách hàng ở khu vực Châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ ghi nhận nhập khẩu tăng trong tháng Ba.

Giá giao ngay của LNG tại khu vực Bắc Á là 12,5 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) trong tuần tính đến ngày 6/4, ổn định so với tuần trước đó, đồng thời là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

So với cuối năm 2022, giá giảm 67% và cũng giảm tới 82,3% so với mức cao kỷ lục 70,5 USD thiết lập hồi tháng 8 năm ngoái - thời điểm thị trường biến động mạnh khi nhu cầu tích trữ của châu Âu tăng cao sau khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ và một loạt biện pháp trừng phạt - trả đũa được đưa ra. 

Nhập khẩu LNG của Trung Quốc được các nhà phân tích hàng hóa Kpler ước tính là 5,55 triệu tấn trong tháng 3, tăng so với mức 4,95 triệu tấn của tháng 2 và cũng cao hơn nhiều so với 4,77 triệu tấn của tháng 3 năm ngoái.

Trung Quốc đã mất vị thế là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới vào tay Nhật Bản vào năm ngoái, phần lớn là do các công ty cung cấp dịch vụ tiện ích cơ bản của nước này rút khỏi thị trường giao ngay khi giá tăng mạnh.

Ấn Độ là một nhà nhập khẩu LNG khác bị ảnh hưởng bởi giá giao ngay cao kỷ lục vào năm ngoái, nhưng đang quay trở lại thị trường khi giá giảm.

Theo dữ liệu của Kpler, nhập khẩu tháng 3 của Ấn Độ ước đạt 1,84 triệu tấn, tăng so với 1,27 triệu tấn của tháng 2. Nhập khẩu trong tháng 3 của Ấn Độ cao nhất kể từ tháng 6/2022 và cũng vượt mức 1,77 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. 

Các nhà nhập khẩu LNG châu Á nhỏ hơn khác, chẳng hạn như Pakistan, Bangladesh và Thái Lan cũng ghi nhận lượng hàng đến trong tháng 3 cao hơn so với tháng 2.

Điều đáng chú ý là tổng lượng nhập khẩu LNG của châu Á gần như ổn định trong tháng 3, đạt 22,35 triệu tấn, tăng nhẹ so với 22,18 triệu tấn của tháng 2.

Điều này phần lớn là do nhu cầu của các nhà nhập khẩu ở các nước phát triển như Nhật Bản ở mức thấp khi thời gian tiêu thụ cao điểm là mùa đông đã kết thúc. Lượng hàng mà Nhật Bản nhập khẩu trong tháng 3 ở mức 5,58 triệu tấn, giảm từ 6,54 triệu tấn trong tháng 2.

Hàn Quốc, quốc gia nhập khẩu LNG lớn thứ ba châu Á, đã mua 4,41 triệu tấn trong tháng 3, giảm so với mức 5,13 triệu của tháng 2.

Đồng thời, nhập khẩu LNG của châu Âu dường như đang tăng cao hơn, ngụ ý rằng các công ty điện lực cũng đang tận dụng giá giao ngay thấp hơn để duy trì tồn kho khí đốt ở mức cao. Điều này vốn rất quan trọng trong việc ngăn chặn mối đe dọa nguồn cung khí của Châu Âu sẽ bị cắt đứt hoàn toàn nếu tình hình địa chính trị trở nên căng thẳng hơn.

 Nguồn: Reuters (Việt hoá: H.Mĩ)

Nhập khẩu LNG tháng 3 của châu Âu là 11,49 triệu tấn, tăng so với 11,37 triệu tấn của tháng 2, theo Kpler.

Kpler cho rằng lượng hàng sẽ tiếp tục tăng trong tháng 4, với 11,87 triệu tấn. 

Câu hỏi đặt ra cho thị trường là liệu các dấu hiệu nhu cầu mạnh hơn ở châu Âu và một số quốc gia ở châu Á có đủ để châm ngòi cho một đợt phục hồi mới của giá giao ngay hay không.

Và nếu giá giao ngay tăng cao hơn, điều đó sẽ dẫn đến nhu cầu giảm nhanh như thế nào từ những người mua nhạy cảm với giá ở châu Á như Ấn Độ và Pakistan.

Cũng cần lưu ý rằng nguồn cung LNG đã tăng cao hơn, với tổng lượng xuất khẩu toàn cầu đạt 36,83 triệu tấn trong tháng 3, đây là tổng lượng hàng trong tháng cao nhất kể từ tháng 1 năm 2009,  theo Kpler.

Ba nhà xuất khẩu LNG lớn là Mỹ, Australia và Qatar ghi nhận doanh số bán hàng tăng trong tháng 3.

Xuất khẩu LNG của Mỹ là 7,8 triệu tấn trong tháng 3, mức cao kỷ lục, trong khi Australia cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại, đạt 7,24 triệu tấn. Xuất khẩu của Qatar là 6,77 triệu tấn, tăng so với 6,36 triệu của tháng 2.     

H.Mĩ