Chân dung 'Công chúa Huawei' - người đàn bà quyền lực làng công nghệ xứ Trung
Trước khi bị bắt tại sân bay Vancouver vào tháng 12/2018, bà Mạnh Vãn Châu không phải là một cái tên quen thuộc. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành 49 tuổi của Huawei hiện đã trở thành gương mặt đại diện cho mối quan hệ ngoại giao ba bên giữa Trung Quốc, Canada và Mỹ, theo The Guardian.
Vừa qua, sự kiện quan trọng đã diễn ra khi bà Mạnh chính thức được trở về quê nhà sau gần ba năm bị quản thúc tại Canada. Để được về nhà, bà Mạnh đã thừa nhận một số tội danh để được hoãn truy tố.
'Công chúa Huawei'
Bà Mạnh Vãn Châu - có tên tiếng Anh là Sabrina - Giám đốc tài chính và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei. Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei cũng chính là bố của bà Mạnh Vãn Châu.
Giống Huawei, sự nổi lên của bà Mạnh trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông toàn cầu gắn liền với câu chuyện về việc theo đuổi lâu dài của Trung Quốc đối với "sự giàu có và quyền lực". Tại Huawei, bà Mạnh nhanh chóng thăng tiến để trở thành Giám đốc tài chính tập đoàn.
Bà Mạnh Vãn Châu là chủ đề của niềm tự hào dân tộc: Một phụ nữ Trung Quốc có ảnh hưởng trong lĩnh vực do phần lớn nam giới thống trị trên toàn cầu. Truyền thông nhà nước đã gọi bà Mạnh là "công chúa Huawei", đồng thời liên tục vận động việc trả tự do cho bà.
"Xã hội Trung Quốc, bao gồm chính phủ, tin rằng đây là một vụ án do Mỹ dựng nên và thao túng. Họ cho rằng đây là một vụ án liên quan đến chính trị thay vì một vụ án pháp lý thông thường", Giáo sư ngành luật Wang Jiangyu của Đại học Hong Kong cho biết.
"Đây là một cuộc đàn áp chính trị của Mỹ đối với công dân Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là một ví dụ khác về việc chính phủ Mỹ đàn áp vô lý các công ty và nỗ lực ngăn chặn sự phát triển của các ngành công nghệ cao Trung Quốc", theo tờ People's Daily.
Sinh ra ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, bà Mạnh đã có bằng thạc sĩ kế toán tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, làm việc cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc trước khi gia nhập công ty kinh doanh của cha mình là Huawei vào năm 1993. Huawei ghi tên bà vào việc thành lập ngân hàng "Tổ chức tài chính thống nhất toàn cầu" và tiêu chuẩn hóa các hệ thống tổ chức cũng như thủ tục trong toàn công ty, đồng thời dẫn đầu mối quan hệ hợp tác lâu dài với IBM.
Trong quá trình xét xử dẫn độ, bà Mạnh đã sống trong một khu phố cổ kính ở Vancouver, nơi "công chúa Huawei" từng sống vào đầu những năm 2000. Bà được chồng và hai con đến thăm, nhưng một điều khá trớ trêu là những người hàng xóm lại bao gồm tổng lãnh sự quán Mỹ.
"Canada - đất nước rộng lớn với 37 triệu dân - đang bị chèn ép bởi sự cạnh tranh của các nước láng giềng trên một con phố tại Vancouver", theo nội dung một bộ phim tài liệu được chiếu trên BBC.
Một bức thư ngỏ gửi tới những người ủng hộ vào ngày kỷ niệm đầu tiên bà Mạnh bị bắt đã cung cấp cái nhìn tổng quát về cuộc sống trong những ngày bị quản thúc. "Hiện giờ, thời gian dường như đang trôi qua thật chậm. Nó chậm đến mức tôi có đủ thời gian để đọc một cuốn sách từ đầu đến cuối. Tôi có thể dành thời gian để thảo luận về những chi tiết vụn vặt với đồng nghiệp của mình hoặc để hoàn thành cẩn thận một bức tranh sơn dầu", bà cho biết.
Tại ngôi nhà trị giá hàng triệu USD, bà Mạnh đã nhận được sự viếng thăm thường xuyên của các nhân viên mát-xa và giáo viên nghệ thuật. Ban ngày, bà được tự do di chuyển trong giới hạn của thành phố và những bức ảnh khi rời khỏi tòa án cho thấy bà mặc những bộ váy công ty sáng màu, đi giày cao gót nhọn, trang bị một thiết bị theo dõi được buộc vào mắt cá chân.
Các tài liệu của tòa án cho thấy bà Mạnh thích các cửa hàng thiết kế cao cấp, nơi có thể mua sắm riêng tư. Tuy nhiên, điều kiện sống của bà Mạnh ở Canada hoàn toàn trái ngược với điều kiện sống của hai người Canada bị giam giữ tại Trung Quốc. Michael Spavor và Michael Kovrig đã bị giam giữ ở Trung Quốc trong điều kiện khắc nghiệt, bị thẩm vấn và cáo buộc bị ngược đãi.
'Người phụ nữ mang tính biểu tượng'
Trước khi bị bắt, hồ sơ của bà Mạnh thường bị lu mờ bởi cha và sếp, ông Nhậm Chính Phi, một tỷ phú, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và cựu kỹ sư quân đội.
"Bất cứ khi nào mọi người nói về Huawei, người ta luôn nói về cha tôi. Hình ảnh của ông ấy là người sáng lập công ty công nghệ thành công nhất Trung Quốc. Ông ấy được coi là người đàn ông mạnh mẽ", bà Mạnh nói về cha mình.
"Công chúa Huawei" cho biết Trung Quốc đã "chiến đấu" rất vất vả để đưa bà trở lại quê nhà, không phải vì bà nắm giữ bất kỳ kiến thức nội bộ nào về công nghệ của Huawei, mà vì bà đã trở thành một "nhân vật biểu tượng" đại diện cho sự bất bình của Trung Quốc và nhận thức được sự ngược đãi của các nước phương Tây. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn chứng minh rằng họ sẽ bảo vệ tất cả công dân ở nước ngoài.
"Việc đưa bà ấy trở lại chỉ mang tính biểu tượng, nhưng nó mang tính biểu tượng rất lớn. Chính phủ Trung Quốc không thể để bà ấy tới Mỹ", giáo sư Wang Jiangyu chia sẻ.
"Bà Mạnh Vãn Châu đã thuyết trình với nhân viên HSBC với tư cách là Giám đốc điều hành cấp cao Huawei, không phải tư cách cá nhân. Trong những trường hợp này, bạn không thể bắt giữ các Giám đốc điều hành cấp cao. Bà ấy đã làm điều đó thay cho công ty. Vì vậy, yêu cầu bắt giữ bà Mạnh ở Canada là rất vô lý, và chắc chắn là vì lý do chính trị. Tuy nhiên, tôi sẽ không nói như vậy về quá trình xét xử. Canada là một quốc gia pháp quyền… Bạn phải tách biệt hai quy trình", giáo sư Wang nói thêm.
Hình ảnh của bà Mạnh đã thay đổi. Nhiều bài báo của Trung Quốc tập trung vào sự nhạy bén trong kinh doanh, sự thanh lịch của bà. Cuối tuần qua, một tuyên bố ủng hộ Huawei đã trở thành cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trên công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc.
Tuần này, khi Trung Quốc đánh dấu ngày thứ 1.000 bà Mạnh bị giam giữ ở Canada, tờ Global Times đã đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi chữ ký "yêu cầu Canada trả tự do cho công dân Trung Quốc Mạnh Vãn Châu đang bị Mỹ đàn áp". Một năm sau khi con gái bị bắt, ông Nhậm Chính Phi ca ngợi bà và nói với CNN rằng mối quan hệ của họ đã tốt hơn sau khi bà Mạnh gặp khó khăn.