CEO từng chốt deal thành công với Shark Linh khuyên đầu tư vào chứng khoán, tiền ảo, tránh xa bất động sản, gửi tiết kiệm trong thời điểm này
Ông Nguyễn Hà Minh Thông là CEO của startup Edubox, một mô hình giúp trẻ em có thể đặt câu hỏi trực tiếp trên ứng dụng hoặc trang web và nhận được câu trả lời từ đội ngũ giáo viên. Edubox đã từng lên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4.
Trên sóng chương trình, dù bị Shark Bình nhận xét startup còn "non và xanh", gần như chưa có kết quả, chưa tìm thấy long mạch và chưa có gió đông làm bệ phóng, nhưng cuối cùng Edubox vẫn chốt deal thành công cùng Shark Linh, trị giá 4 tỷ đồng cho 40% cổ phần.
Bên cạnh việc là CEO của một startup, ông Nguyễn Hà Minh Thông cho biết bản thân cũng là một người dạy đầu tư về chứng khoán. Gần đây, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Hà Minh Thông nhận được nhiều câu hỏi về việc liệu khoản đầu tư nào hiệu quả để tránh lạm phát trong mùa dịch.
Ông nhận xét trong bối cảnh đại dịch khiến các nhà máy sản xuất bị trì trệ, các ngành nghề cũng bị ảnh hưởng. "Trong dài hạn, tầm nhìn về nền kinh tế rất tiêu cực, thậm chí là suy thoái nặng. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của sau này. Hiện tại, dòng tiền không còn quá nhiều sự lựa chọn để đổ vào. Các bạn hãy nhớ nguyên lý, dòng tiền luôn luân chuyển để trú ẩn vào các kênh đầu tư phù hợp để sinh lời và sẽ không có chuyện dòng tiền ngưng lại", ông Thông chia sẻ.
Tại thời điểm này, CEO Edubox đánh giá dòng tiền có thể sẽ duy trì tiếp ở thị trường chứng khoán vì không còn kênh nào đầu tư sinh lợi tốt và an toàn hơn. "Mặc dù tin tức khá tiêu cực, nhưng dòng tiền lớn trú ẩn vẫn luôn hấp dẫn và mang lại khả năng sinh lời lớn, it nhất là đến giai đoạn cuối năm", ông cho biết.
Thị trường tiền ảo là lựa chọn thứ hai của ông Thông sau thị trường chứng khoán bởi tính ứng dụng và khả năng sinh lời mạnh mẽ. "Bitcoin chỉ có 21 triệu đồng giới hạn. Thanh khoản cực lớn, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ USD. Ở những nước hợp thức hóa tiền ảo, đa số dòng tiền sẽ đổ vào thị trường này thay vì chứng khoán. Tại Việt Nam, tính pháp lý của tiền ảo chưa được nhà nước công nhận nên mình xếp ở vị trí thứ hai. Bitcoin không bao giờ có đỉnh vì những cỗ máy in tiền vẫn đang hoạt động không ngừng nghỉ", CEO Edubox nói thêm.
Ngoài thị trường chứng khoán và tiền ảo, ông Thông cũng đề cập tới thị trường vàng. Tuy nhiên, ông cho rằng việc đầu vào thị trường này sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận, trừ khi dùng làm của hồi môn. Ông Thông nhận định: "Từ năm 2013, giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới, điển hình như hiện nay đang cao hơn khoảng 2 – 3 triệu đồng/lượng, qua đó khiến việc đầu tư vàng không còn quá hấp dẫn".
Đối với khoản đầu tư bất động sản, CEO Edubox khẳng định giá cả tại Việt Nam chưa bao giờ là cuộc chơi của những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Giá bất động sản đang quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân, khiến phần lớn nhà đầu tư không có đủ vốn. Chưa kể việc mua bán bất động sản trong giai đoạn dịch bệnh không phải lựa chọn khả thi bởi các vấn đề giấy tờ thủ tục pháp lý. "Đây chưa phải là thời điểm và chu kỳ phát triển của bất động sản", ông khẳng định.
Bên cạnh những khoản đầu tư trên, ông Thông còn nhắc tới hai lựa chọn khác, một mang tính an toàn (gửi tiết kiệm), một mang nặng tính chuyên môn (Forex). Đặc biệt, đối với hình thức gửi tiết kiệm, ông Thông khẳng định đây là một lựa chọn tồi ở thời điểm này. "Trừ khi bạn là người không rành về tài chính. Lãi suất tại thời điểm này chỉ đủ bù vào tính trượt giá và lạm phát của dòng tiền", ông nhận xét.
Riêng với Forex, CEO Edubox tin rằng đây không phải là nơi dành cho newbie (người mới). "Forex là kênh có thanh khoản lớn nhất thế giới, nhưng kênh này không dành cho newbie vì nó đòi hỏi bạn phải rất rành về kinh tế và phân tích các chính sách tiền tệ vĩ mô. Chưa kể ở Việt Nam Forex chưa được chấp nhận chính thức, cùng với đó là sự biến tướng của nhiều sàn có dấu hiệu lừa đảo nên kênh này mang nhiều rủi ro".