CEO ngoại đón tết Việt: Hân hoan niềm vui
Tết Nguyên đán là dịp có ý nghĩa rất đặc biệt đối với tôi và gia đình, bởi chúng tôi lần đầu tiên chuyển tới Việt Nam vào thời điểm tháng 2 dương lịch, cũng là khi mọi người tất bật mua sắm chuẩn bị đón Tết. Trong năm đầu tiên, Tết Việt đối với tôi và gia đình khá lạ lẫm nhưng cũng không kém phần thú vị.
Ông Khamsaya Soukhavong, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của MAP Life. |
Trải qua 4 năm sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, tôi dần cảm nhận rõ hơn giá trị mà Tết mang lại cho người Việt, nhất là giá trị gia đình. Trong suốt kỳ nghỉ Tết, hầu hết mọi người chọn sum họp bên gia đình, bạn bè. Riêng với tôi, tôi thích được đón Tết cùng đồng nghiệp của mình tại MAP Life.
Năm nào cũng vậy, cứ sắp đến Tết là văn phòng chúng tôi được trang trí lung linh với sắc mai vàng của miền Nam, hay hoa đào đỏ của miền Bắc. Ngày đi làm đầu tiên sau Tết, chúng tôi tụ họp quanh mâm trái cây, bánh ngọt và cùng kể nhau nghe những câu chuyện vui của ngày lễ.
Hòa vào niềm vui chung của bạn bè đồng nghiệp Việt Nam, tôi cũng chuẩn bị những phong bao lì xì màu đỏ để tặng đồng nghiệp cùng những lời chúc may mắn, thành công trong dịp đầu năm. Tôi rất thích cách mà đồng nghiệp tại MAP Life chia sẻ với nhau niềm hứng khởi của những ngày đầu năm mới như thế này. Sự gắn kết này lan tỏa nguồn năng lực tích cực giúp tất cả chúng tôi khởi đầu một năm mới thuận lợi và thành công.
Ở đất nước chúng tôi, để mừng năm mới, chúng tôi thường chỉ tặng quà cho nhau. Trong khi đó, Việt Nam có phong tục lì xì đầu năm với những phong bao đỏ rực rỡ mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tốt lành đến người nhận. Có lẽ đây cũng là món quà được mong chờ nhiều nhất, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Tôi rất thích phong tục này.
Một yếu tố thú vị khác so với đất nước chúng tôi là vào ngày Tết, người Việt có phong tục đi lễ chùa xin lộc đầu năm. Ðây là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của người Việt. Tôi đã may mắn được dịp trải nghiệm mùa lễ hội Ðền Bà chúa kho tại Bắc Ninh trong vòng hai năm liền kể từ năm 2016.
Dù có bận rộn trong không khí lễ hội thế nào đi chăng nữa thì cùng với đồng nghiệp của mình, chúng tôi thường đi lễ chùa tại đây vào dịp Tết và cầu mong may mắn, hạnh phúc và mong một năm kinh doanh thuận lợi. Ðây được xem như một trong những niềm vui lễ hội đầu năm góp phần làm nên một cái Tết thật đặc biệt trong tôi.
Ngày Tết nơi đây, tôi cũng được thưởng thức nhiều món ăn ngon của Việt Nam và món gà với xôi gấc ngày Tết ở miền Bắc để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Tôi mong muốn được sinh sống tại Việt Nam lâu hơn nữa để có trải nghiệm không gian văn hóa mang đậm màu sắc truyền thống nơi đây.
Tết mang lại hết bất ngờ này tới bất ngờ khác
Trước khi đến Việt Nam, tham khảo một số tài liệu kinh tế, tôi rất ngạc nhiên khi các dữ liệu phân tích vào tháng 1 và tháng 2 thường khác biệt so với các giai đoạn khác, thậm chí còn bị loại khỏi thống kê tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi tới Việt Nam, tôi đã hiểu, mọi việc có chút “xáo trộn” bởi đây là thời điểm diễn ra dịp lễ đặc biệt - Tết Nguyên đán.
Ông Kim kang wook - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm PTI. |
Tết là dịp đặc biệt nhất tại Việt Nam và nó đem lại cho tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trước tiên, tôi ấn tượng rất mạnh về không khí chuẩn bị trước Tết, với người nước ngoài như chúng tôi, bầu không khí này rất nhộn nhịp và khác biệt.
Từ một tháng trước Tết, mọi người đều hối hả, bận rộn làm việc, kiếm tiền giống như đang chuẩn bị cho một sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời. Ai cũng nỗ lực làm việc rất chăm chỉ, hết sức mình để có được một mùa Tết no đủ. Trung tâm mua sắm nô nức người mua kẻ bán. Tôi có cảm giác như người ta bán vội, mua vội như thể những mặt hàng đó sẽ biến mất trong thời gian tới và ai ai cũng cố gắng mua hoặc bán được một thứ gì với giá tốt nhất.
Giao thông cũng là điều mà tôi “lo sợ” nhất dịp Tết đến. Người người đều đổ ra đường với không khí hối hả vội vàng. Ðường sá thường xuyên tắc nghẽn, các bến xe, sân bay chật cứng người. Việc mua vé máy bay hàng không giá rẻ với thời điểm này gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Vậy nhưng, trái ngược với không khí náo nhiệt lúc chuẩn bị đón Tết thì trong dịp nghỉ lễ, bạn sẽ cảm thấy như thành phố hoàn toàn trống trải, vắng vẻ. Các cửa hàng, trung tâm đều đóng cửa. Trong năm đầu tiên ăn Tết tại Việt Nam, tôi đã vô cùng vất vả tìm kiếm được một cửa hàng mở cửa để mua thức ăn.
Tôi đã không tin lời khuyên: "Chuẩn bị thức ăn hoặc tôi sẽ hối tiếc" mà bạn bè đã chia sẻ trước kỳ nghỉ năm mới. Nhưng một điều hết sức thú vị đó là tôi lại được thưởng thức nhiều món ăn ngon rất đặc trưng trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam như bánh chưng, nem, miến gà, xôi gấc… Các món ăn đều được bày biện cầu kỳ, nghệ thuật, rất lạ mắt và hương vị hấp dẫn.
Ðiều tuyệt vời nhất là ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ năm mới. Nếu ở Hàn Quốc, sau kỳ nghỉ dài phải về quê, tiếp khách khứa, ai cũng đi làm với gương mặt mệt mỏi, im lặng “chiến đấu” với công việc, thì tại Việt Nam rất khác.
Sau kỳ nghỉ, mọi người quay trở lại làm việc với tâm trạng vô cùng phấn khởi. Dường như ai cũng được nạp đầy năng lượng để bắt đầu năm mới thành công. Mọi người gặp nhau và trao nhau những lời chúc mừng năm mới nồng ấm, tụ họp để cùng nhau nâng ly và chúc tụng.
Tại PTI chúng tôi, ngày đầu tiên trong năm mới là ngày vui vẻ nhất. Ai ai cũng mặc những bộ đồ đẹp và rực rỡ, một vài người chọn cho mình trang phục áo dài truyền thống, chuẩn bị những phong bao lì xì để chúc nhau may mắn, trao nhau những lời chúc tốt đẹp cho năm mới. Ðây là hình ảnh đầy tính nhân văn và rất ấm áp. Tất cả cùng mỉm cười và chuẩn bị cho một năm làm việc mới.
9 năm ở Việt Nam, Tết luôn là thời gian để lại cho tôi nhiều cảm xúc ấn tượng. Tết với tôi bây giờ không còn cô đơn hay xa lạ nữa. Tôi thực sự hạnh phúc và sống với niềm hân hoan đón chào mỗi khi xuân sang, cùng hoà mình vào một không khí tết đậm chất người Việt.